.

Cần có chế tài đủ mạnh để xử lý nạn buôn bán băng, đĩa lậu

.
Những năm gần đây, khi đời sống của người dân đã khá lên cả vật chất lẫn tinh thần, nhu cầu sử dụng các loại băng cassette, đĩa CD,. VCD, DVD trong công tác, học tập và giải trí ngày một trở nên phổ biến, trên nhiều điểm kinh doanh mặt hàng này ra đời.
 
Mô tả ảnh.
Nhân viên bán đĩa vẫy khách trên đường Hùng Vương.
Bên cạnh một phần rất nhỏ các loại băng, đĩa được cấp phép sản xuất để đáp ứng nhu cầu của xã hội, đa số các loại băng, đĩa hiện nay đều là những sản phẩm văn hóa được in sang và tung ra thị trường trái phép. Nhiều vụ tổ chức in sang, vận chuyển, mua bán băng đĩa không nguồn gốc đã bị các lực lượng chức năng phát hiện và xử lý ở một số đô thị lớn trên toàn quốc, và đương nhiên Đà Nẵng cũng không là ngoại lệ trước vấn nạn băng, đĩa lậu đang tấn công vào thị trường.

Qua khảo sát, ở Đà Nẵng hiện chỉ còn một số rất ít cửa hàng kinh doanh băng đĩa còn dùng những sản phẩm chính hãng (có dán tem), còn đại đa số chỉ bán đĩa in sao lậu là chính, vì có lợi nhuận cao. Điều đáng nói là, trong số băng, đĩa lậu có cả những phim có nội dung đồi trụy.

Trước thực trạng trên, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Đà Nẵng đã ban hành văn bản chỉ đạo đến các Phòng Văn hóa-Thông tin các quận, huyện, cùng Thanh tra sở thành lập đội công tác liên ngành tăng cường kiểm tra, kiểm soát. Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch còn phối hợp với Phòng PA25 (An ninh bảo vệ văn hóa) Công an thành phố theo dõi, kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, tình trạng băng, đĩa lậu trôi nổi trên thị trường vẫn còn. Thực tế cho thấy, đội quân phát hành băng, đĩa, sách lậu hiện nay khá hùng hậu, dường như họ có mặt khắp nơi để đưa những sản phẩm này ra thị trường, trong khi đó lực lượng Thanh tra của Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch thì chỉ vỏn vẹn chừng 4 đến 5 người, vì thế việc kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng trở nên quá tải “lực bất tòng tâm”.

Mô tả ảnh.
Đĩa lậu được bày bán trong chợ xép.
Từ ngày 1-9-2010, Nghị định 75/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa, thay thế các quy định tại Chương II, Nghị định số 56/2006/NĐ-CP đã có hiệu lực. Một điểm mới trong Nghị định 75/2010/NĐ-CP là sẽ xử phạt người nào mua băng, đĩa lậu. Thế nhưng, khi áp dụng vào thực tế thì cơ quan chức năng gặp nhiều lúng túng. Bởi Nghị định này quy định, nếu Thanh tra phát hiện quả tang một người mua từ 10 đến dưới 20 chiếc đĩa lậu sẽ bị phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Tuy nhiên, nếu một người có nhiều lần mua 9 chiếc đĩa lậu thì chưa có chế tài nào quy định xử phạt!

Đĩa có dán tem có giá từ 35.000 đồng đến 60.000 đồng/đĩa, trong khi đó đĩa lậu chỉ có 5.000 đồng/đĩa. Vì lợi nhuận quá lớn, nên chế tài xử phạt đối với người in, sang đĩa lậu theo quy định tại Nghị định số 31/2001/NĐ-CP (Sao chép với số lượng trên 20 đĩa: phạt từ 200.000 đến 500.000 đồng; từ 20 đến 100 đĩa: phạt 500.000 đến 1,5 triệu đồng; từ 100 đến 300 đĩa: phạt 1,5 triệu đồng đến 5 triệu đồng; trên 300 đĩa: phạt 5 đến 10 triệu đồng; sao chép, lưu hành băng đĩa cấm: phạt 10 đến 30 triệu đồng) vẫn chưa đủ sức răn đe.

Thiết nghĩ, đã đến lúc các lực lượng chức năng nên vào cuộc một cách quyết liệt hơn, triệt phá tận gốc những điểm in sao, mua bán đĩa lậu với số lượng lớn mỗi ngày trên địa bàn thành phố nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất sự lan tràn của băng đĩa lậu có nội dung thiếu lành mạnh, đồi trụy trong đời sống xã hội.

Bài và ảnh: Bảo Thy
;
.
.
.
.
.