.

Bất cập trong giờ đón con tan học

Ở Đà Nẵng, có nhiều cán bộ, công chức hằng ngày được vợ (hoặc chồng) “phân công” đón con sau khi tan học. Công việc đó âu cũng là thường tình thể hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của người làm bố, làm mẹ trong việc quan tâm giáo dục và chăm sóc con cái.
 
Cán bộ, công chức lứa tuổi dưới 45 đa số là những phụ huynh của các em đang trong độ tuổi từ mẫu giáo đến phổ thông cơ sở, cũng là đối tượng thường phải đưa đón nhất. Bên cạnh nhiều gia đình công chức cho con học các lớp bán trú (nhất là lứa tuổi mẫu giáo, tiểu học) nên không phải đón con vào buổi trưa, điều đáng quan tâm là giờ đón vào buổi chiều khi mà các trường mẫu giáo, tiểu học tan trường trong khoảng thời gian từ 16 đến 16 giờ 30.

Nghịch lý xảy ra trong chuyện đón đưa này là giờ đón lại sớm hơn giờ tan sở do thành phố quy định (đối với các cơ quan thuộc thành phố) từ 30 phút đến một tiếng đồng hồ, thậm chí là một tiếng rưỡi. Một số trường mẫu giáo có giờ đón con bắt đầu từ 16 giờ (giờ làm việc buổi chiều của thành phố hiện nay là từ 13 giờ 30 đến 17 giờ 30). Ngoài những gia đình có người nhà, ông bà… có thời gian rảnh rỗi để đi đón con hộ thì không ít trường hợp người bố (mẹ) phải trực tiếp đi đón con.
 
Thế là dẫn đến việc “tranh thủ” giờ hành chính trước cả tiếng, nửa tiếng và lặng lẽ hoặc công khai đi đón con. Đón con rồi phải chở về nhà, có người không lên cơ quan nữa vì không có ai trông giữ hoặc do nhà ở khá xa cơ quan. Cũng có trường hợp đem con trở lại cơ quan, tuy không phổ biến nhưng cũng làm ảnh hưởng đến bản thân mỗi người và đồng nghiệp cùng phòng, cùng cơ quan. Có trường hợp cha, mẹ phải “nhường” máy vi tính cho con chơi game để chờ hết giờ rồi ra về. Có cơ quan trong khoảng từ 16 giờ đến 16 giờ 30 có đến 30% cán bộ, công chức đi đón con, thậm chí đang họp cũng xin phép tranh thủ đi đón con, gần đến giờ tan học là nhấp nhổm nhìn đồng hồ.

Chưa ai thống kê số giờ công chức bỏ ra để đi đón con trong giờ hành chính, nhưng tình trạng khá phổ biến nêu trên, chắc chắn là ảnh hưởng không ít đến hiệu suất công việc của mỗi cơ quan, công sở và của bản thân mỗi công chức có con đi học. Đó là chưa kể đến kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động công vụ bị ảnh hưởng. Bất cập trên đây cần được thành phố quan tâm.
 
Làm thế nào điều chỉnh giờ tan trường một cách hợp lý, tốt nhất là tan học  cùng lúc hoặc sau giờ hành chính. Cũng có thể, các trường có khu vực riêng lưu giữ học sinh sau khi tan học để chờ cha mẹ đến đón. Ngoài ra, các trường học có thể bàn bạc thống nhất với phụ huynh về giờ giấc đón học sinh, làm thế nào để hạn chế đến mức thấp nhất sự “thất thoát” giờ Nhà nước, một sự lãng phí đáng suy ngẫm trong giai đoạn công nghiệp hóa hiện nay.

Dân Hùng
;
.
.
.
.
.