.

Tai nạn giao thông trên đường Điện Biên Phủ: Báo động!

.
Đường Biện Biên Phủ là của ngõ vào trung tâm thành phố Đà Nẵng, một tuyến đường đẹp, rộng, thoáng. Tuy nhiên, kể từ sau khi nâng cấp, mở rộng đến nay, cùng với các tuyến đường xương cá hai bên cắt ngang con đường lớn này được nâng cấp, làm mới thì vấn đề tai nạn giao thông (TNGT) trên đường Điện Biên Phủ trở thành điểm “đen” giao thông không chỉ của riêng quận Thanh Khê, thậm chí là cao nhất thành phố.
 
Mô tả ảnh.
Một vụ tai nạn nghiêm trọng do tài xế xe tải phóng nhanh vượt ẩu tông vào người đi bộ qua đường tại điểm giao nhau giữa đường Huỳnh Ngọc Huệ - Điện Biên Phủ - Trần Cao Vân.
Chỉ tính riêng từ đầu năm 2010 đến thời điểm hiện tại, tuyến đường này ghi nhận số vụ TNGT đáng giật mình, với trên 200 vụ, chiếm 60-70% số vụ tai nạn xảy ra trên địa bàn quận Thanh Khê. Đường Điện Biên Phủ dài khoảng 3km, nhưng có đến 15 nút giao thông trên dọc tuyến từ đầu ngã ba Huế đến ngã ba Cai Lang, trong đó đáng chú ý các nút giao thông Ngã ba Huế (giao đường Trường Chinh - Tôn Đức Thắng - Điện Biên Phủ), Tượng đài Mẹ dũng sĩ Thanh Khê (giao đường Huỳnh Ngọc Huệ - Điện Biên Phủ - Trần Cao Vân), Điện Biên Phủ - Hà Huy Tập là những điểm “đen” về TNGT, đặc biệt là ở các điểm giao nhau tại Siêu thị Co.op Mark, Tượng đài Mẹ dũng sĩ Thanh Khê, Hà Huy Tập với đường Điện Biên Phủ.
 
Tại nút giao thông ngã ba Huế, lưu lượng giao thông có mật độ/ngày rất cao khoảng 15.000 lượtô-tô các loại, 40 lượt xe lửa và hàng trăm ngàn lượt mô-tô, xe đạp. Tại nút giao thông trước Công viên 29-3, lưu lượng giao thông 4.200 lượt người/giờ. Theo số liệu thống kê sơ bộ của Đội Cảnh sát giao thông Công an quận Thanh Khê, tính từ ngày 1-1-2010 đến đầu tháng 5-11-2010, trên đường Điện Biên Phủ xảy ra gần 80 vụ va chạm, 5 vụ tai nạn nghiêm trọng làm chết 4 người (toàn quận gần 300 vụ va chạm, tai nạn, trong đó đặc biệt có 20 vụ nghiêm trọng, làm chết 19 người và một người bị thương nặng - tính từ ngày 1-12-2009).

Với tình hình trên cho thấy, đường Điện Biên Phủ đang trở thành điểm “đen” giao thông (chỉ con đường có số vụ TNGT cao, liên tục - PV) trên địa bàn quận Thanh Khê nói riêng và thành phố nói chung. Giải thích nguyên nhân dẫn đến việc xảy ra TNGT trên đường này đặc biệt cao, Trung tá Phan Đình Tuấn, Phó đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông, Công an quận Thanh Khê cho biết: Đường Điện Biên Phủ có lòng đường rộng, lưu lượng giao thông cao, nhưng ý thức người tham gia giao thông kém.
 
Tình trạng phóng nhanh vượt ẩu cộng với việc các loại phương tiện giao thông từ ô-tô tải, ô-tô con, mô-tô, xe đạp, thậm chí người đi bộ lưu thông một cách lộn xộn, chạy giữa các làn đường làm cho tình trạng giao thông trên đường càng trở nên phức tạp, vượt ngoài tầm kiểm soát của lực lượng thanh tra, kiểm tra giao thông, dẫn đến TNGT xảy ra ở mức độ báo động. “Mặc dù lực lượng Cảnh sát giao thông thường xuyên có mặt trên đường này để kiểm tra tình hình trật tự an toàn giao thông, tuy nhiên từ những nguyên nhân khách quan và chủ quan nói trên dẫn đến nhiều vụ tai nạn xảy ra vượt ngoài sự kiểm soát, có vụ xảy ra ngay trước mặt mà cũng chẳng có cách nào ngăn chặn được”, ông Tuấn cho biết thêm.
 
Ngoài ra còn phải kể đến nguyên nhân khách quan mà lực lượng Cảnh sát giao thông cũng phải bó tay, đó là do các con đường xương cá nối với trục đường Điện Biên Phủ quá dày đặc, tạo ra yếu tố bất ngờ cho người lưu thông trên đường. Mặc dù so với cùng kỳ năm ngoái, số vụ tai nạn năm nay giảm đáng kể, nhưng với những con số kể trên, tình hình an toàn giao thông trên đường này vẫn trong tình trạng báo động.

Để giảm thiểu TNGT xảy ra trên đường Điện Biên Phủ nói riêng và quá trình lưu thông trên các tuyến đường khác, theo ông Tuấn, trước hết là ở ý thức, trách nhiệm của người tham gia giao thông. Đây là yếu tố tiên quyết nhất. Chẳng hạn, khi lưu thông trên đường nội thị cần chấp hành đúng quy định về tốc độ cho phép; khi qua các điểm giao nhau cần phải hết sức chú ý người qua lại, tín hiệu đèn giao thông hoặc người chỉ dẫn giao thông và giảm tốc độ cần thiết. Đối với các nguyên nhân trên là bất khả kháng thì yếu tố con người là quan trọng nhất.
 
Tuy nhiên, như ông Tuấn tâm sự, có chứng kiến nhiều vụ TNGT xảy ra ngay trước mặt mình khi đang làm nhiệm vụ thì mới thấu hết được ý thức của người tham gia giao thông còn rất hạn chế. Đội Cảnh sát giao thông Thanh Khê cũng đã thường xuyên tuần tra, kiểm soát, cử người túc trực tại các trạm chốt chặn là điểm “đen” hay xảy ra tai nạn cả ngày lẫn đêm nhằm hạn chế tai nạn xảy ra. Bên cạnh đó, thường xuyên tuyên truyền bằng loa, panô áp phích, tăng cường phối hợp với các ngành hữu quan để tác động hiệu quả đến ý thức người tham gia giao thông khi lưu thông trên đường.

Bài và ảnh: Trọng Huy
;
.
.
.
.
.