.

Trẻ sơ sinh bị bỏ rơi ngày càng nhiều

.

Hằng ngày, trên các phương tiện thông tin đại chúng luôn đăng thông báo có một bé trai hay bé gái bị bỏ rơi với các đặc điểm nhận dạng, nhằm tìm lại người thân cho các em. Thế nhưng, thời hạn 30 ngày trôi qua, người thân của các em vẫn “bặt vô âm tín”... Tình trạng trên vẫn diễn ra thường xuyên ở các bệnh viện hay các trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi và đang có xu hướng gia tăng.

Mô tả ảnh.
Một trẻ đang được chăm sóc.
Trẻ em bị bỏ rơi  ngày một tăng

Mới 7 giờ sáng, khoa nuôi dưỡng trẻ sơ sinh của Trung tâm Nuôi dạy trẻ mồ côi Đà Nẵng - nằm ở cuối đường Thủ Khoa Huân, quận Sơn Trà đã rộn lên bởi tiếng khóc của trẻ, tiếng ru dỗ dành của các má, các dì… Đang bế trên tay một bé gái đỏ hỏn, cô hộ lý cười hiền, “sáng nào tụi em cũng bận rộn với những đứa trẻ này. Thấy mà thương! Vì chúng thiếu hơi ấm của người thân”.

Theo các chị ở trung tâm cho biết, trung tâm đang nuôi dưỡng 15 trẻ sơ sinh. Mỗi tháng có khoảng 1-3 bé bị mẹ bỏ rơi trước cổng trung tâm. Không chỉ một số cháu bị dị tật bẩm sinh hay mẹ bị nhiễm HIV, mà ngay những cháu khỏe mạnh, khôi ngô cũng bị bỏ rơi bởi chính những bà mẹ sinh ra không muốn nuôi dưỡng. Điều đáng nói, tình trạng này đang diễn ra ngày một tăng.

Theo thống kê từ Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) thành phố, hiện nay, đã có 839 trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi đang được nuôi dưỡng tại các trung tâm nuôi dưỡng trẻ em mồ côi trên địa bàn thành phố. Trong đó, từ 18 tháng tuổi trở lên là 754 em, dưới 18 tháng tuổi và bị tàn tật hoặc bị nhiễm HIV là 85 em.

Theo một bác sĩ sản khoa Bệnh viện Đà Nẵng cho hay: “Mặc dù bệnh viện đã rất cẩn thận trong việc lưu giữ hồ sơ sản phụ, nhưng thực tế một số sản phụ khi vào sinh nở đã cố tình khai sai địa chỉ nên rất khó để liên hệ với người thân khi trẻ bị bỏ rơi”. Khi trẻ bị bỏ rơi, bệnh viện đều báo cho chính quyền phường, sau đó báo cáo lên Sở LĐ-TB-XH. Ngoài các bệnh viện, một số sản phụ có ý định bỏ rơi con cũng chọn các nhà chùa, trung tâm để “nhờ”… nuôi hộ.

Gánh nặng xã hội

Hiện toàn thành phố có trên 1.000 trẻ em mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt được nhận trợ cấp thường xuyên. Trong đó, trẻ không có điều kiện ở với gia đình được tiếp nhận nuôi dưỡng tại các trung tâm bảo trợ xã hội thuộc Sở LĐ-TB-XH hầu hết là trẻ sơ sinh bị bỏ rơi tại các bệnh viện, các trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi.

Theo thông tin từ Sở LĐ-TB-XH, trẻ em bị bỏ rơi có chiều hướng gia tăng hằng năm, bình quân mỗi năm có trên 300 em bị bỏ rơi. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2010, số trẻ sơ sinh bị bỏ rơi đã lên đến hơn 100 em là con số đáng báo động hiện nay.

Theo một khảo sát trong giới công nhân, sinh viên, học sinh là do môi trường, điều kiện sống độc lập, đơn thân khiến một bộ phận thanh niên có lối sống buông thả, dễ bị lạm dụng, có thai ngoài ý muốn. Thậm chí, nhiều em không có hiểu biết sơ đẳng trong quan hệ giới tính....

Nói về nguyên nhân của tình trạng bỏ rơi trẻ sơ sinh, một bác sĩ cho biết: Hiện nay, ngoài những phụ nữ vì hoàn cảnh khó khăn phải bỏ rơi con, mà hiện tượng học sinh, sinh viên yêu đương sớm rồi lỡ có thai, đẻ con rồi bỏ rơi cũng gia tăng. Cùng với đó, những phụ nữ nhiễm HIV nhưng mang thai, khi sinh ra không muốn nuôi con nên bỏ lại cho bệnh viện… Chưa tính đến việc chăm sóc, nuôi dưỡng, nếu trẻ sinh non hoặc mắc chứng bệnh phải mổ, chi phí y tế cho mỗi ca lên đến cả chục triệu đồng và bệnh viện đều phải lo liệu.

Hiện tại, những trẻ bị bỏ rơi tại bệnh viện được chăm sóc cẩn thận, sau 30 ngày không ai đến nhận mà trẻ có sức khỏe bình thường, đạt cân nặng từ 2,5kg trở lên sẽ được chuyển danh sách sang Sở LĐ-TB-XH. Căn cứ vào tình trạng các trẻ, các cháu được đưa vào các cơ sở nuôi dưỡng trẻ mồ côi do Sở LĐ-TB-XH quản lý. Đây là một hoạt động nhân đạo của chính quyền, nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với việc tạo thêm một gánh nặng cho xã hội.

K. Oanh

;
.
.
.
.
.