Theo quy định của UBND thành phố Đà Nẵng, trong 2 năm 2010 và 2011, tất cả các chợ cóc, chợ tạm (45 chợ) tồn tại trên địa bàn thành phố bấy lâu nay sẽ được xóa bỏ triệt để. Thực hiện quy định đến cuối năm 2010 sẽ tiến hành giải tỏa 12 chợ tự phát trên địa bàn 5 quận, bao gồm chợ Nguyễn Hoàng, chợ Tam Giác (quận Hải Châu); chợ Bàu Thạc Gián, chợ Hoàng Hoa Thám, chợ ngã ba Trần Cao Vân – Dũng sĩ Thanh Khê (quận Thanh Khê); chợ đường số 4 KCN Hòa Khánh, chợ tổ 26 phường Hòa Hiệp Nam, chợ Cầu Nam Ô (quận Liên Chiểu); chợ gần chùa Mân Quang, chợ An Đồn (quận Sơn Trà); chợ tự phát dọc tuyến đường Trường Sa (quận Ngũ Hành Sơn).
Rau được bày bán ra ngay giữa đường tại chợ cóc đường số 4 KCN Hòa Khánh. |
Theo đó, tại quận Liên Chiểu có 3 chợ tự phát sẽ được tiến hành giải tỏa trong năm nay là chợ đường số 4 KCN Hòa Khánh, chợ tổ 26 phường Hòa Hiệp Nam, chợ Cầu Nam Ô. Thông tin từ Phòng Kinh tế quận Liên Chiểu, trong ngày 15-12, quận phối hợp với các ban, ngành, chính quyền địa phương ra quân dẹp triệt để 3 chợ trong kế hoạch giải tỏa năm 2010. Hai ngày trước khi quận ra quân giải tỏa, chúng tôi có mặt tại các chợ nói trên, không khí mua bán, trao đổi hàng hóa vẫn diễn ra bình thường, dường như các “tiểu thương” ở các chợ này không mảy may quan tâm đến thông tin nói trên.
Quan sát dễ thấy, các mặt hàng được bán tại các chợ cóc này phần lớn là thứ hàng vặt như rau quả, cá đồng, củ cải… được người bán (ở tại thành phố) tự sản xuất lấy hoặc mang từ trong quê ra phố bán. Người bán hàng chủ yếu là những nông dân một thời, do quá trình đô thị hóa, nhiều vùng quê trở thành phố thị, đồng nghĩa với việc người dân không còn đất sản xuất nông nghiệp, họ quay ra buôn bán nhỏ để mưu sinh. Cũng chính vì thế, kiểu buôn bán tại các chợ cóc này mang đậm chất trao đổi của các vùng quê nông thôn, người bán, người mua còn nặng theo tập quán chợ quê.
Bà Phan Thị Kim Thanh, Phó phòng Kinh tế quận Liên Chiểu bày tỏ quan điểm khi nhắc đến những hộ buôn bán nhỏ tại các chợ tự phát này là những người “chân quê bước ra phố” buôn bán, cách buôn bán của họ theo kiểu mưu sinh qua ngày, có gì bán nấy, mùa nào thức đó chứ không thiên về kiểu chuyên doanh một sản phẩm nhất định. Đó cũng là lý do vì sao việc giải tỏa chợ cóc lâu nay, nhiều lần ra quân nhưng vẫn chưa thể làm triệt để được.
Tư duy của những người buôn bán ở chợ cóc là miễn sao kiếm được mỗi ngày mấy chục ngàn để lo cơm áo cho gia đình qua ngày. Bà Mỹ, một hộ buôn bán tại chợ cóc đường số 4 KCN Hòa Khánh chia sẻ: “Chúng tôi không vào chợ, ngồi trong đó làm sao bán được ngày mấy chục ngàn để mua gạo nuôi con. Ngồi đây dễ tiếp cận với công nhân hơn khi họ tan giờ làm. Hàng hóa họ mua do khả năng kinh tế hạn hẹp nên cũng chỉ dăm ba ngàn rau, vài ba ngàn cá đồng về ăn cho qua ngày. Mấy cân dưa muối, môn muối chúng tôi tự làm, có mấy đồng lẻ thôi, vào chợ chi cho rắc rối”.
Quận Liên Chiểu hiện nay tồn tại 6 chợ cóc với 125 hộ buôn bán, cụ thể: Chợ đường Nguyễn Huy Tưởng 35 hộ; chợ đường Tô Hiệu 25 hộ; chợ đường Hồ Tùng Mậu 25 hộ; chợ đường số 4 KCN Hòa Khánh 20 hộ; chợ tổ 26 Hòa Hiệp Nam 15 hộ; chợ Cầu Nam Ô 5 hộ. Ngoài ra còn có một chợ tạm trên đường Kinh Dương Vương tiếp giáp với địa bàn quận Thanh Khê, có 60 hộ kinh doanh. |
Vấn đề chợ cóc trên địa bàn quận Liên Chiểu, bà Thanh cho biết, trong năm 2010, theo kế hoạch quận sẽ tiến hành giải tỏa triệt để chợ đường số 4 KCN Hòa Khánh (dù đây là chợ khó giải tỏa nhất) và chợ Cầu Nam Ô. Sang năm 2011 và 2012 sẽ tiến hành giải tỏa các chợ còn lại, gồm chợ tổ 26 Hòa Hiệp Nam, chợ trên đường Tô Hiệu, chợ đường Nguyễn Huy Tưởng, chợ Hồ Tùng Mậu (Hòa Minh). Theo bà Thanh, đối với quận Liên Chiểu, khó khăn lớn nhất trong việc giải tỏa triệt để chợ cóc trên địa bàn, đó là tình trạng quá tải đối với chợ Hòa Mỹ, chợ Thanh Vinh “không hấp dẫn” với các tiểu thương.
Còn có một chợ tạm trên đường Kinh Dương Vương, với 60 hộ kinh doanh, mặc dù UBND quận đã nhiều lần phối hợp với UBND quận Thanh Khê và Ban Quản lý chợ Phú Lộc tổ chức họp các hộ này, vận động họ vào chợ Phú Lộc để kinh doanh. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn không có hộ nào đăng ký kinh doanh trong chợ Phú Lộc với lý do là buôn bán trong chợ Phú Lộc không có khách hàng. Để giải quyết tình trạng trên, quận đã được UBND thành phố đồng ý cho xây dựng chợ Trung Nghĩa và chợ Hòa Phú tại phường Hòa Minh. Hiện tại, quận đang trong giai đoạn khảo sát thiết kế, sẽ sớm triển khai xây dựng trong năm tới để các hộ tại các chợ cóc, chợ tạm trên địa bàn vào kinh doanh tập trung.
Bài và ảnh: Trọng Huy