.

Lừa đảo bằng vé số giả

.
Cầm cặp vé số bị làm giả trên tay, chị L.T.T. (35 tuổi, quê huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi), nói trong nước mắt: “Khoảng 10 giờ ngày 10 tháng 1, khi tôi đang đi bán vé số dạo trên đường Lê Đình Lý (quận Hải Châu) thì có một thanh niên chạy xe tới đề nghị đổi cặp vé số tỉnh Khánh Hòa trúng giải năm, mở thưởng ngày 9 tháng 1 với số tiền 500 ngàn đồng mỗi tờ.
 
Mô tả ảnh.
Cặp vé số 34808 bị đổi thành 37808 trị giá 1 triệu đồng.
Nếu đồng ý đổi thì anh ta sẽ mua giúp 30 tờ vé số khác nên sau khi dò trùng với kết quả tôi đã vét hết số tiền đi bán cả ngày hôm ấy để đổi lấy cặp vé số này. Đến chiều về đại lý đổi vé số lấy tiền thì mới biết đó là vé số giả”. “Một triệu đồng bị lừa là tiền công của gần một tháng đi bán, mà giờ đến Tết thì chỉ còn mấy chục ngày nữa, chị cũng chưa biết làm sao”, chị T. ngậm ngùi với đôi mắt ửng đỏ. Được biết, mọi chi phí sinh hoạt, ăn uống, học hành của người mẹ già đau ốm và đứa con gái lên mười ở quê đều trông chờ vào những tờ vé số chị bán được.

Quan sát cặp vé số tỉnh Khánh Hòa mang ký hiệu 11KH03, lốc B9 và B3 bị làm giả, chúng tôi nhận thấy, chữ số 4 hàng nghìn bị cắt ở bề mặt rất tinh vi, sau đó dán lên chữ số 7 để trùng với giải thưởng. Phần trên đầu số này nằm ở viền của tờ vé số cũng bị chỉnh sửa, tờ vé số bị cắt ngắn mất 1mm ở chiều rộng phía bên phải. Thoạt nhìn rất khó phát hiện đây là cặp vé số giả, chỉ khi đối chiếu với các yếu tố bảo mật của công ty xổ số hoặc soi mặt sau lên ánh đèn mới phát hiện hai chấm đen của các con số do bị quét vào đó một lớp keo mỏng. Ông Trần Bá Huy, Trưởng VP đại diện Công ty TNHH Xổ số kiến thiết Khánh Hòa tại Đà Nẵng cho biết, công ty chỉ có trách nhiệm trao thưởng nếu vé số hợp lệ, còn những chiêu thức này thì đơn vị không có một sự hỗ trợ nào nên những người bán vé số phải hết sức cẩn thận để không rơi vào tình cảnh “tiền mất tật mang”. Còn bác Nguyễn Thị Hường, một người bán vé số dạo, nói: “Giải lớn thì chúng tôi không đổi vì không đủ tiền nhưng còn những giải dưới 1 triệu thì thường xuyên vì đổi xong họ thường mua giúp vé số, có khi còn cho thêm năm, mười ngàn đồng”. 

Không có thống kê chính xác nhưng quan sát khắp các nẻo đường dễ nhận thấy có nhiều người nghèo, tàn tật, trong đó chủ yếu đến từ các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi ra thành phố Đà Nẵng kiếm sống bằng việc bán vé số của 14 tỉnh, thành từ Quảng Bình đến Ninh Thuận. Với mức hoa hồng 500 – 530 đồng/tờ, mỗi ngày trừ chi phí sinh hoạt tiết kiệm, họ cũng kiếm được 40.000 – 60.000 đồng. Với điều kiện kinh tế khó khăn, số tiền “làm vốn” khi bán vé số cũng chỉ 200 – 500 ngàn đồng nên khi bị lừa đảo, rất nhiều người rơi vào cảnh khốn khó hơn. Chính vì vậy, bà con cần hết sức cảnh giác.

Bài và ảnh: Phan Chung
;
.
.
.
.
.