Hơn một năm nay, người dân các tổ 13, 14 và một phần của tổ 35, 32 phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà phải sống chung với ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Nguyên nhân cũng bởi cái lạch khe rau muống chạy xuyên qua giữa địa bàn các tổ này, từ hơn năm nay không còn chỗ thoát nước ra biển, gây tình trạng ao tù nước đọng, bốc mùi hôi thối.
Khe rau muống trên hiện có chiều rộng 10-12m, dài chừng 500m, bùn sâu, nước lấp xấp một màu đen hôi hám. Trước đây lạch khe này còn dài hơn, theo người dân sống lâu năm tại đây thì nó bắt nguồn từ mãi tận đường Hồ Nghinh (hiện tại), tuy nhiên theo thời gian và cùng với quá trình phát triển đô thị, nó đã bị vùi lấp dần, nay chỉ còn hiện trạng trên. Ông Nguyễn Văn Tiến, tổ phó tổ 13 cho biết, trước đây khe này được người dân sử dụng trồng rau màu, chủ yếu là rau muống, nhưng dần dần người ta bỏ, không trồng nữa, nay chỉ còn lại vài ba hộ trồng. Khoảng hơn năm nay, rau trồng cũng bị chết do nguồn nước trong khe ô nhiễm nặng, người ta hầu như bỏ hẳn những nơi ngập nước, chỉ còn rải rác vài hộ trồng những nơi nước cạn, ít ô nhiễm hơn.
Ở đây, về mùa mưa, nước trong khe dâng lên, không có chỗ thoát nên tràn vào cả nhà dân, nhất là các hộ ở tổ 13, 14 làm cho tình trạng ô nhiễm trở nên phức tạp, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân. Về mùa nắng, mùi hôi bốc lên theo chiều gió bay vào nhà. Hiện tại, nguồn nước giếng ở đây không thể sử dụng được nữa, hoàn toàn phải dùng nước máy. “Những hộ sống sát bờ khe, khi bơm từ giếng lên nước có màu đen, mùi hôi thối rất khó chịu. Ở đây không ai còn sử dụng nguồn nước giếng vào bất cứ sinh hoạt nào”, ông Tiến cho hay.
Việc nguồn nước không thể thoát ra biển, theo ông Tiến giải thích là do tại cống thoát nước của khe này ngay sau lưng Trường THCS Phan Bội Châu bị lấp bít, cùng với quá trình xây dựng tự phát của nhiều hộ dân trong khu vực đã làm biến dạng con khe, chỗ rộng, chỗ hẹp. Ông Đàm Nguyên Khánh, Chủ tịch UBND phường Phước Mỹ cho biết, khe rau muống tại các tổ 13, 14 và 35, 32 là một điểm “nóng” về ô nhiễm môi trường tại phường trong thời gian gần đây. Đã nhiều lần phường có kiến nghị lên quận Sơn Trà, tuy nhiên đến nay thì quận đang trong thời gian xem xét, sẽ phê duyệt dự án trong thời gian sớm nhất để giải quyết tình trạng ô nhiệm tại khu vực này.
Khi được hỏi về vấn đề môi trường của khu vực này, ông Trần Bắc Việt, Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường quận cho rằng nguyên nhân cơ bản là do quá trình đô thị hóa đi trước quy hoạch, trong quá trình phát triển với tốc độ đô thị hóa nhanh như vậy, việc quản lý chưa chặt chẽ để xảy ra tình trạng xây dựng trái phép, tự phát trong dân nên tạo ra hiện tượng ngập ứng cục bộ tại khu vực khe rau muống nói trên (cũng như nhiều nơi trên địa bàn thành phố). Điều này là do hệ thống hạ tầng cơ sở nơi đây thấp kém, cùng với ý thức của người dân chưa cao trong việc xả rác thải sinh hoạt tạo cho tình trạng ngày càng thêm nghiêm trọng.
Phòng Tài nguyên & Môi trường quận cũng đã phối hợp với phường tiến hành khảo sát, lập đề án giải quyết thực trạng ô nhiễm môi trường tại khu vực này, nhưng do đây là nơi đang nằm trong khu vực nghiên cứu quy hoạch của thành phố, nên việc đầu tư dự án vào là không phù hợp, không có cơ sở thực tế (làm xong năm này, sẽ bị phá bỏ vào năm tới khi quy hoạch đi vào triển khai). Do vậy, trong khi các dự án quy hoạch của thành phố chưa được thực hiện thì người dân đành phải chấp nhận sống chung với ô nhiễm, chờ quy hoạch.
Câu hỏi “Bao giờ quy hoạch?” của những người dân sống trong vùng môi trường ô nhiễm từ khe rau muống ở phường Phước Mỹ, xin dành cho các cơ quan chức năng trả lời.
Bài và ảnh: Trọng Huy