.

Rào cách ly đường gom và đường tàu

.
Sau khi Báo Đà Nẵng đăng bài “Nỗi lo tai nạn đường sắt” (ngày 17-2-2011), một số bạn đọc đã gọi điện đến đường dây nóng phản ánh nỗi lo tai nạn trên đoạn đường sắt qua địa bàn phường Hòa An (quận Cẩm Lệ) vì không có hàng rào cách ly giữa đường gom và đường sắt, đồng thời kiến nghị thành phố và ngành đường sắt quan tâm, đầu tư kinh phí làm hàng rào cách ly giữa đường gom và đường sắt tại đoạn qua các trường học.

Mô tả ảnh.
Nhiều cây cầu ván bắc từ đường gom đến đường sắt để người dân tiện bước ra đường Trường Chinh.
Trước đây, đoạn đường sắt từ ngã ba Huế đến ngã ba Hòa Cầm luôn xảy ra tai nạn do người dân băng qua đường sắt thiếu quan sát. Năm 2007, thành phố đã đầu tư kinh phí rất lớn để làm tuyến đường gom dọc theo đoạn đường sắt từ ngã ba Huế đến cầu vượt Hòa Cầm, và đóng 27 đường ngang trái phép qua đường sắt, chỉ để lại một số đường ngang có gác chắn và đường ngang dân sinh cần thiết cho người dân đi lại. Tuy nhiên, giữa đường gom và đường sắt lại không có rào chắn cách ly, tiềm ẩn tai nạn đường sắt và thường xuyên xảy ra tình trạng người và xe lưu thông trên đường gom lao xuống mương đường sắt. Đặc biệt, tại khu vực trước cổng Trường tiểu học Nguyễn Như Hạnh, vào giờ cao điểm, khá đông phụ huynh đưa đón học sinh đứng chật đường gom; một số trẻ em hồn nhiên chạy nhảy, chơi đùa trên đường sắt. Người dân rất mong muốn thành phố và ngành đường sắt quan tâm, đầu tư kinh phí làm rào chắn cao ráo để giảm phần nào nỗi lo tai nạn mỗi khi có đoàn tàu đi qua vào giờ đưa đón con em tan trường.

Trong khi đó, theo quan sát của chúng tôi, có khá nhiều người dân ở dọc đường gom từ ngã ba Huế đến số nhà 80 - Trường Chinh đã làm rất nhiều cầu thang gỗ, ván gác từ đường gom đến đường sắt và từ đường sắt đến đường Trường Chinh, thậm chí có nhà còn xây cả bậc thang bằng gạch và xi-măng để tiện đi ra đường Trường Chinh. Ông Trương Hùng Mạnh – Chủ tịch UBND phường Hòa An cho biết: “Do có quá ít đường ngang dân sinh, người dân muốn đi ra đường Trường Chinh phải đi bộ hoặc chạy xe máy dọc theo đường gom rất xa, nên họ phải bắc cầu ván qua đường sắt. Phường phối hợp với Công ty Quản lý đường sắt Quảng Nam – Đà Nẵng thường xuyên ra quân tuyên truyền, nhắc nhở, vận động người dân thu dọn, không bắc cầu ván, thậm chí tự tay thu dọn những cầu ván nguy hiểm này, nhưng được ít ngày thì những cây cầu ván bắc qua đường sắt lại xuất hiện”.

Trên đoạn đường sắt từ ngã ba Huế đến ngã ba Hòa Cầm, hiện Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang tiến hành tháo dỡ hàng rào cũ cách ly giữa đường bộ và đường sắt, lắp đặt hàng rào mới cao ráo, vững chãi hơn. Một số bạn đọc đề xuất rằng, nên tận dụng vật tư tháo ra từ hàng rào cũ, cải tạo lại để rào cách ly giữa đường gom và đường sắt. Ông Nguyễn Văn Tý, Giám đốc Công ty Quản lý đường sắt Quảng Nam – Đà Nẵng cho biết: “Việc rào cách ly giữa đường sắt và đường gom thuộc giai đoạn 2 của “Quyết định 1856” (Quyết định số 1856/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt), hiện đang trong quá trình khảo sát, thiết kế. Vật tư tháo ra từ hàng rào cách ly cũ hiện đang tập kết, bảo quản, có phương án sử dụng sau. Tuy nhiên, trước Tết Tân Mão, chúng tôi có tận dụng một số vật tư từ hàng rào cách ly cũ này để làm thí điểm 450 mét rào cách ly đường gom và đường sắt đoạn từ gác chắn Nghi An trở lên phía Bắc, nhằm giảm thiểu nỗi lo tai nạn đường sắt, bởi đoạn đường gom qua đây khá hẹp, rất dễ xảy ra tai nạn”. 

Thiết nghĩ, thành phố và Công ty Quản lý đường sắt Quảng Nam – Đà Nẵng quan tâm đến việc người dân đề xuất tận dụng vật tư tháo ra từ hàng rào cũ cách ly giữa đường bộ và đường sắt trên đoạn đường sắt từ Ngã ba Huế đến Ngã ba Hòa Cầm để cải tạo, lắp đặt hàng rào cách ly giữa đường gom và đường sắt, ưu tiên làm trước các cổng trường, nơi tập trung đông đảo phụ huynh, học sinh vào giờ đến trường và tan trường.

Bài và ảnh: Hoàng Hiệp
;
.
.
.
.
.