.

Trò “ậm ờ” của người đánh giày dạo

.
Trong muôn nẻo mưu sinh trên hè phố, có một nghề mà “tuổi tác” của nó chắc cũng tốp đầu, ấy là nghề đánh giày dạo.
 
Mô tả ảnh.
Áp lực mưu sinh buộc người đánh giày phải đi nhiều, kì kèo nhiều qua từng con phố, quán cà-phê, quán ăn và tiếp xúc với tất cả mọi đối tượng khách hàng. Ấy thế, nhưng trong bản thân những người hành nghề này cũng muôn mặt, có người tốt, có người xấu và gần như 100% là người thất học, có độ tuổi trung bình 12 đến 25. Cũng chính vì thế, ý thức ứng xử, hành vi giao tiếp và sự “trâng tráo” nhiều khi khó tránh khỏi bởi đối tượng này.

Giá cả đánh giày cũng tăng theo Tết
 
Một lần đang ngồi uống cà-phê với anh bạn trước cổng cơ quan, vốn là người “bụi bặm” đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, tôi không thích trau chuốt bằng việc chịu mất mấy ngàn đồng để cho mấy đứa trẻ đánh giày. Còn anh bạn tôi thì muốn làm sáng đẹp cho đôi giày, nên chấp nhận cho hai cậu thanh niên choai choai đánh giày cho mình và yên tâm rằng mỗi đôi giày như thế theo giá thường là 5 nghìn, có chăng cũng 7-8 nghìn là cùng.
 
Trong lúc đang chờ giày đánh xong thì cậu thanh niên kia xách giày lại và bảo giày bị xước, hở da, đế mòn, cần làm lại cho nó đẹp và chắc hơn. Nhưng khi hỏi giá bao nhiêu thì được biết là… 40 ngàn đồng. Anh bạn tôi lắc đầu không chịu và yêu cầu chỉ đánh giày không thôi với giá được đẩy lên là 10 ngàn đồng. Chưa hết bực với giá đánh một đôi giày bỗng dưng đội giá lên, thì người thanh niên kia cũng hoàn thành vai trò của mình, mang đôi giày được “làm mới”.
 
Và tất nhiên là anh này hét giá 40 ngàn, còn thách thức là “ngon thì đừng trả tiền”. Khi được hỏi vặn vì sao không đồng ý “làm mới” mà vẫn tự ý làm rồi đòi tiền, người thanh niên kia bắt đầu chống chế và lật lọng, lộ nguyên hình bản chất ít học của mình. Biết là chẳng thể cãi nổi cậu ta, nên anh bạn tôi đành phải trả tiền cho xong chuyện. Tuy nhiên, không phải chỉ có anh bạn tôi mà ngay cả một đồng nghiệp của tôi cũng bị “mắc bẫy” hai gã thanh niên kia, và giá đánh đôi giày, dán keo, lót thêm đế (với một lát cao su mỏng dính) được hét lên là…100 ngàn đồng. Choáng với cái giá trên trời ấy, cô đồng nghiệp đòi trả lại “nguyên trạng” đôi giày, thì hai thanh niên này nổi khùng, văng tục. Sau khi có người can thiệp, gã thanh niên nọ mới hạ giá xuống 40.000 đồng. Đánh xong hai đôi giày và bỏ túi 80.000 đồng chỉ trong vòng 15 phút, với chi phí bỏ ra không quá 10 ngàn đồng, hai cậu nhoẻn cười và rằng, giá cả ngày Tết mà.

Lời cảnh tỉnh

Đánh giày là công việc làm đẹp cho thiên hạ. Trong muôn người đi đánh giày dạo, dù ít học hay học nhiều thì cũng hoàn toàn không phải ai cũng xấu, cũng thể hiện bản chất sống “đầu đường xó chợ” như kiểu hai gã thanh niên kia. Nhưng một thực tế đáng báo động là phần lớn những người đi làm nghề như thế đều ngấm dần thói bụi đời, du thủ và rất dễ sa ngã. Và một khi nhiễm thói xấu thì việc lật lọng người có giày được đánh là rất nhiều. Khi đó, chính những người hành nghề không có tâm ấy vô tình tự quay ra hại nghề mình và hại luôn bao nhiêu “đồng nghiệp” của mình.

Đối với người có giày khi muốn làm đẹp, làm mới thì cũng cần cẩn thận và đừng ngại mặc cả để tránh những cơn tức giận và mất tiền một cách oan ức.

Trọng Huy
;
.
.
.
.
.