.

Đèn tín hiệu phát huy tác dụng

.

Vừa qua, Báo Đà Nẵng nhận được một số đơn thư của bạn đọc phản ánh về cụm đèn tín hiệu giao thông tại nút Ngũ Hành Sơn - Phan Tứ - Phan Hành Sơn hoạt động chưa hợp lý, gây khó cho người đi đường, lưu thông hỗn loạn và gây kẹt xe cục bộ.

 

Mô tả ảnh.
Hai hàng dài ô-tô cùng ùn ùn chạy qua nút giao thông Ngũ Hành Sơn - Phan Tứ - Phan Hành Sơn khi đèn xanh bật sáng.  

Theo phản ánh của bạn đọc và ghi nhận của chúng tôi, đường Ngũ Hành Sơn qua địa bàn phường Mỹ An luôn đông đúc các loại phương tiện và người qua lại. Khi lưu thông đến ngã tư Ngũ Hành Sơn-Phan Tứ-Phan Hành Sơn gặp tín hiệu đèn đỏ, dừng lại quá lâu (43 giây), còn tín hiệu đèn xanh lại quá nhanh (27 giây), nên dòng xe lưu thông chưa hết thì đèn đỏ lại bật lên. Các đường gom hai bên đường Ngũ Hành Sơn, xe cộ cũng đông đúc nhưng phải chờ đèn đỏ 50 giây và đèn vàng 3 giây, trong khi đèn xanh chỉ bật 20 giây. Ở phía đường Phan Tứ và Phan Hành Sơn thì lượng xe còn rất ít, song lại phải chờ đèn đỏ đến 53 giây và đèn xanh chỉ bật 17 giây để người và xe đi thẳng hoặc rẽ trái. Tình trạng này gây bức xúc cho người đi đường.

 

Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố, Sở Giao thông-Vận tải chỉ đạo Ban quản lý Dự án giao thông nông thôn và Công ty Quản lý sửa chữa công trình giao thông Đà Nẵng triển khai lắp đặt hệ thống biển báo, đèn tín hiệu tại nút giao thông Ngũ Hành Sơn - Phan Tứ - Phan Hành Sơn, hoàn thành trong tháng 3-2009. Theo đó, trên tuyến đường Ngũ Hành Sơn bố trí 2 trụ đèn tín hiệu cao 6,2m với hai cần vươn về làn đường rộng 10,5m và làn đường gom rộng 6m; trên tuyến đường Phan Tứ - Phan Hành Sơn bố trí 2 trụ đèn tín hiệu cao 6,2m một cần vươn; tuyến đường gom rộng 6m trên đường Ngũ Hành Sơn lưu thông 2 chiều nên bố trí 2 trụ đèn tín hiệu cao 6,2m một cần vươn; bố trí 6 trụ đèn tín hiệu cao 3m cho người đi bộ (tất cả dùng loại đèn led); tổng kinh phí hơn 1 tỷ đồng trích từ nguồn xử phạt an toàn giao thông…

Về nguyên tắc hoạt động, hệ thống đèn tín hiệu được thiết kế thành 2 trục chính nhưng phân luồng giao thông thành 3 tuyến. Trục đường Ngũ Hành Sơn có hai đường 10,5m phân luồng một chiều, tuyến này có mật độ lưu thông xe ra vào Cảng Tiên Sa lớn nên được ưu tiên một, thời gian hoạt động của đèn xanh là 27 giây, đèn vàng 3 giây và đèn đỏ 43 giây. Hai đường gom rộng 6m hai bên đường phân luồng hai chiều, tuyến này lưu lượng xe tương đối lớn nên được ưu tiên hai, thời gian hoạt động của đèn xanh là 20 giây, đèn vàng 3 giây và đèn đỏ 50 giây. Trục đường Phan Tứ-Phan Hành Sơn có mật độ lưu lượng xe thấp hơn nên thời gian hoạt động đèn xanh 17 giây, đèn vàng 3 giây và đèn đỏ 53 giây. Để giảm lưu lượng xe khi đèn đỏ của từng tuyến, trang bị thêm một số đèn ưu tiên (đèn mũi tên màu xanh). Tuyến Ngũ Hành Sơn rộng 10,5m được phép rẽ phải khi tuyến đường gom có tín hiệu đèn đỏ; trục Phan Tứ-Phan Hành Sơn được phép rẽ phải khi tuyến này có tín hiệu đỏ…

Theo Trung tá Trần Việt Hòa – Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông Công an quận Ngũ Hành Sơn, trước khi lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu, tại nút giao thông này thường xuyên xảy ra tai nạn, ùn tắc giao thông và lưu thông hỗn loạn. Sau khi lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu, số vụ tai nạn giao thông giảm đáng kể, chỉ có một số vụ tai nạn giao thông xảy ra trong khoảng thời gian từ 18 giờ chiều đến 22 giờ đêm, do một số người đi xe máy ẩu từ phía đường Phan Tứ, Chương Dương lên vượt đèn đỏ và cũng không xảy ra ùn tắc giao thông tại nút. Tuy nhiên, do Trường tiểu học Lê Lai ở ngay sát nút giao thông này, nên vào giờ đưa đón con em đến trường, thường xuyên xảy ra ùn tắc và lộn xộn ở đầu đường gom… Qua đây, đề nghị mỗi người dân tham gia giao thông qua nút Ngũ Hành Sơn-Phan Tứ-Phan Hành Sơn chấp hành tốt hướng dẫn giao thông từ hệ thống đèn tín hiệu; Trường tiểu học Lê Lai cũng cần mở cổng sau (ở đường Phan Tứ) để giảm lượng người và xe máy tập trung ở đường gom và đường 10,5m trước cổng trường, bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Bài và ảnh:   Hoàng Hiệp

;
.
.
.
.
.