.

Khai thác đá gây ảnh hưởng cuộc sống người dân

.
Vừa qua Báo Đà Nẵng nhận được đơn khiếu nại của người dân tổ 1 - thôn Đại La, xã Hòa Sơn (huyện Hòa Vang) về việc Công ty Khai thác khoáng sản và Xây dựng miền Nam khai thác đá trên địa bàn thôn, làm ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân nơi đây.

Mô tả ảnh.
Con đường liên thôn nát như tương bần.
 
Được biết, Công ty Khai thác khoáng sản và Xây dựng miền Nam đã tiến hành khai thác đá tại thôn Đại La gần 10 năm nay, gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường, tiếng ồn và đe dọa đến tính mạng người dân. Cụ thể, năm 2004, trong khi khai thác đá, công ty này đã cho nổ mìn và một cục đá lớn đã bay vào rơi giữa nhà ông Lê Văn Lịch, nhà ông Phạm Nguyện. Năm 2005, một cục đá nặng hàng chục kilôgam bay từ bãi đá rơi xuống nhà anh Lê Văn Chiến làm thủng mái tôn, rơi xuống phòng ngủ đang có hai đứa con anh Chiến ở trong phòng. Rất may hòn đá không trúng phải 2 cháu. Bên cạnh nỗi sợ đá rơi ám ảnh người dân trong thôn, thì tiếng ồn do khối lượng thuốc nổ lớn để khai thác đá cũng hành hạ người dân trong nhiều năm, nhất là trẻ con trong thôn thường bị giật mình tỉnh giấc và khóc ré khi đang ngủ bị tiếng mìn nổ đánh thức.

Việc mỏ đá trong quá trình khai thác tác động rất lớn đến cuộc sống của người dân, mà hậu quả nhãn tiền là con đường đất chạy liên thôn bị xe tải chở đá “vằm nát như tương bần”. Ông Phạm Dũng, đại diện Ban công tác Mặt trận tổ 1 thôn Đại La cho biết: “Việc Công ty Khai thác khoáng sản và Xây dựng miền Nam đến đây khai thác đá đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân. Gần như 100% nhà ở cạnh mỏ đá đều bị nứt tường do quá trình nổ mìn gây chấn động. Xe tải vận chuyển đá qua lại nhiều phá nát đường sá trong thôn, tiếng ồn làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân”.

Giải thích về việc người dân “kiện” công ty, ông Dương Hùng Cường, Phó giám đốc công ty cho biết: “Hằng năm công ty vẫn đóng góp cùng xã hoặc thành phố để tu sửa lại đường. Đối với quá trình khai thác đá tất nhiên phải có tiếng nổ, nhưng trước khi cho nổ mìn công ty đều có còi báo, đánh kẻng báo hiệu. Việc đá rơi vào nhà dân chỉ là “tai nạn” mà do lỗi của các kỹ sư trẻ chưa có kinh nghiệm. Còn việc nhà dân bị nứt là… do nhà xây có kết cấu móng không bền vững. Trước đây, công ty cho nổ mìn dạng BK5 hoặc MK5 (có khối lượng thuốc nổ lớn), sau khi “bị tai nạn” đá rơi vào nhà dân, công ty đã không còn cho nổ như thế nữa, chỉ để khối lượng thuốc nổ dưới 1,5 tạ thôi”.
 
Ông Phạm Xem, Chủ tịch UBND xã Hòa Sơn cho biết: “Đây là lần đầu tiên xã nhận được đơn khiếu nại của người dân thôn Đại La kể từ ngày công ty khai thác đá đi vào hoạt động. Ngay sau đó xã đã tích cực phối hợp với tổ liên ngành của huyện (vừa thành lập) đang tiến hành kiểm tra thực tế, và sẽ sớm có kết quả. Đối với việc kiểm định khối lượng thuốc nổ dùng khai thác đá bao nhiêu là vừa, bao nhiêu là quá thì xã phải chờ cơ quan liên ngành của huyện kiểm định. Còn đường Hoàng Văn Thái nối dài đoạn chạy qua thôn Đại La (khoảng 2km), đây là đoạn đường còn lại duy nhất cả xã còn là đường đất. Xã cũng như huyện đang có kiến nghị lên thành phố xin cấp vốn để nâng cấp và tu sửa.
 
Nghe nói năm 2011 này con đường sẽ được phê duyệt để tu sửa”. Cũng theo ông Xem, việc công ty khai thác đá gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân là có cơ sở. Tuy nhiên xã cũng đã thường xuyên tác động công ty trong quá trình khai thác phải kiểm soát được công việc, bảo đảm không gây ảnh hưởng “thái quá” đến đời sống người dân xung quanh mỏ như không cho nổ mìn với khối lượng thuốc lớn, không gây ô nhiễm môi trường…

Rời khỏi xóm núi ấy khi trời đã xế trưa, chúng tôi vẫn còn nghe tiếng máy nổ nghiền đá, tiếng xe tải chạy ầm ì ra vào thôn Đại La. Con đường vằn lên vết cày nát nham nhở bùn đất lẫn đá. Những ánh mắt người dân dõi theo khi chia tay ánh lên niềm hy vọng vào sự can thiệp kịp thời của các cấp chính quyền đối với việc khai thác đá nơi đây.

Bài và ảnh: Trọng Huy
;
.
.
.
.
.