.

Gara ô-tô lấn đường

.
Do nhu cầu sử dụng ô-tô của người dân ngày càng tăng, số lượng xe đăng ký và lưu thông trên địa bàn thành phố cũng tăng. Và “ăn theo” nhu cầu này, các gara ô-tô mọc lên nhiều nơi và cũng “ăn nên làm ra” thấy rõ. Tuy nhiên, mặt trái của việc các gara ô-tô mọc lên dày đặc và ô-tô “nằm lì” trên đường, trước cửa các gara đang thực sự gây nhiều nguy hiểm, khó khăn cho người đi đường. Bên cạnh tình trạng “xe sống” đậu đỗ tràn lan trên các tuyến đường nội thị đang thực sự làm cho “đường phố hẹp dần”, các gara ô-tô đậu “xe chết” tràn xuống đường.

Mô tả ảnh.
“Bãi sửa xe” ngay trên đường quốc lộ 1A - Tôn Đức Thắng.
 
Bất cập thấy rõ. Nó không chỉ gây nhếch nhác trên đoạn đường được các chủ gara ngang nhiên trưng dụng để làm bãi sửa xe, mà còn gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông do bị khuất tầm nhìn. Một dẫn chứng để thấy rõ thực trạng này: Có một ông cụ đi xe đạp trên đường Nguyễn Hữu Thọ, đoạn qua một gara ô-tô đang để xe duới lòng đường chờ sửa chữa. Do bị khuất tầm nhìn, ông cụ cố tránh vào mép phải phía trong sát vỉa hè thì bất ngờ đụng đầu với một cô gái trẻ chạy xe máy theo hướng ngược lại, cũng tránh vào trong sát vỉa hè. Cú va chạm không mạnh nhưng làm ông cụ đau điếng vì bị xe máy tông phải. Nguyên nhân cũng bởi cái xe tải quá khổ nằm chình ình giữa đường che khuất tầm nhìn làm cho cả hai người đều không thể quan sát khi đi đường. Rất may là không ai bị thương tích nặng.

Dọc các tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ, Tôn Đức Thắng và nhiều tuyến đường khác có rất nhiều gara hoạt động, từ gara sửa các loại xe máy công trình đến gara sửa xe con, xe tải… Thường các gara này có bãi rộng bên trong khuôn viên gara cho xe hư hỏng vào đỗ để chờ sửa chữa. Tuy nhiên, những lúc lượng xe cần sửa quá tải trong bãi đậu đỗ thì buộc lòng phải đậu tràn ra đường là điều không tránh khỏi, chưa kể đến một số gara lưu động. Có nơi diện tích vỉa hè rộng, chủ gara còn kẻ vạch vôi, phân khu cho ô-tô đỗ. Không ít gara tận dụng vỉa hè làm nơi sơn sửa, tân trang xe cũ.

Theo Nghị định 34/2010/NĐ-CP quy định: Đối với người chiếm dụng đường bộ để họp chợ, mua bán hàng sẽ bị phạt 500.000 đồng, tăng gần 10 lần so với mức phạt 50.000 đồng trước đây. Khi dừng xe, mở cửa ô-tô không bảo đảm an toàn và gây ra tai nạn trong nội thành, mức phạt sẽ từ 1,4 triệu đến 2 triệu đồng. Dừng xe trên miệng cống thoát nước, miệng hầm của đường điện thoại, điện cao thế ở nội thành sẽ bị phạt 800.000 đồng, tước giấy phép lái xe 30 ngày... Cũng theo Nghị định 34/2010/NĐ-CP, thẩm quyền xử phạt cũng rộng hơn, một số lực lượng khác được tham gia xử phạt.
 
Cụ thể, CSGT đường bộ xử phạt đối với tất cả hành vi vi phạm của người và phương tiện tham gia giao thông trên đường bộ. Cảnh sát trật tự, cảnh sát phản ứng nhanh, cảnh sát cơ động, cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, trưởng Công an cấp xã xử phạt các hành vi: Người điều khiển ô-tô đậu đỗ xe không đúng nơi quy định, bấm còi hoặc gây ồn ào; người điều khiển ô-tô vi phạm quy định về vận chuyển chất gây ô nhiễm môi trường, hàng nguy hiểm; cá nhân, tổ chức sản xuất, lắp ráp, bán trái phép biển số và phương tiện giao thông cơ giới đường bộ… Chủ tịch UBND các cấp, trưởng Công an các cấp (trừ trưởng Công an cấp xã) xử phạt tất cả các hành vi vi phạm trong phạm vi quản lý của địa phương mình. Thanh tra đường bộ xử phạt các hành vi vi phạm quy định về hoạt động vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải; vi phạm quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe.

Tuy nhiên, cho đến nay, việc thực thi Nghị định này trên địa bàn thành phố vẫn còn nhiều hạn chế. Đây chính là nguyên nhân khiến cho các chủ gara “nhờn thuốc”, ngang nhiên biến vỉa hè, lề đường thành bãi đậu xe của mình. Thiết nghĩ, các cơ quan hữu quan cần mạnh tay trong việc xử lý các trường hợp vi phạm để đường phố trở lại thông thoáng, bảo đảm cho người và phương tiện tham gia giao thông được an toàn.

Bài và ảnh: Trọng Huy
;
.
.
.
.
.