.

Nỗi lo cầu yếu

.
Cầu mới rung rinh

Sau hơn 2 năm thi công, cầu Hòa Xuân hoàn thành và đưa vào sử dụng vào tháng 8-2010. Cầu dài 303,55m, rộng 14,5m (lòng đường rộng 10,5m, lan can dành cho người đi bộ mỗi bên rộng 2m); kết cấu thượng bộ cầu gồm 7 nhịp, được liên tục hóa bằng dầm và bản mặt cầu, mỗi nhịp dài 42m đúc bằng bê-tông cốt thép dự ứng lực;... tổng kinh phí đầu tư 79,8 tỷ đồng. Do yêu cầu tiến độ thực hiện Dự án Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân, cầu Hòa Xuân mới làm xong liền oằn mình gánh hàng trăm lượt xe ben trọng tải lớn mỗi ngày vào ra đổ đất san nền cho dự án.
 
Mô tả ảnh.
Mật độ xe chở đất qua cầu Phò Nam tăng, trong đó có nhiều xe chở quá tải đã làm cây cầu treo dây văng đứt dây cáp.
 
Một biển báo tải trọng 20 tấn được cắm ngay đầu cầu. Một trạm kiểm soát tải trọng xe và một thanh barrier cũng được dựng lên. Công ty Quản lý Cầu đường, thuộc Sở Giao thông-Vận tải mỗi ngày phân công 2 người thay nhau trực không cho xe quá 20 tấn qua cầu. Các xe ben qua cầu đổ đất san nền cho dự án đều được chủ doanh nghiệp đăng ký với công ty để người trực gác barrier kiểm soát… Xe ben chở đất qua cầu hầu hết là loại 10-15 tấn, nhưng người gác barrier đều chỉ nhìn bằng mắt, thấy xe quen, đã đăng ký và loại xe dưới 20 tấn thì cho qua cầu, dường như không quan tâm đến đống đất đầy ứ, cộm lên trên thùng xe đã che bằng bạt quá tải đến hàng tấn.
 
Còn nhớ, trong buổi sáng đầu tiên ra quân kiểm tra, xử lý các xe ben chở đất trên tuyến quốc lộ 14B, Trạm Cảnh sát giao thông Cửa ô Hòa Nhơn ngoài xử lý các trường hợp xe ben chở quá tải trọng, cơi nới thêm thùng chứa đất, sử dụng còi hơi…, còn yêu cầu cả hai xe ben chở đất cùng trọng tải 12 tấn BKS 43C-00482 và 43C-00600 đi cân tải trọng, và phát hiện xe 43C-00600 nặng… 22 tấn, xe 43C-00482 nặng… 29 tấn, xử phạt mỗi xe 1,5 triệu đồng. Không rõ những xe chở nặng 22, 29 tấn này có thường xuyên chạy qua cầu Hòa Xuân hay không, nếu là thường xuyên thì thật đáng sợ. Còn thực tế, nếu đứng ở giữa cầu, lúc một xe ben chở đất nặng nề đi qua sẽ cảm nhận rất rõ cầu đang rung lên, lúc một đoàn 3-4 chiếc nối đuôi nhau đi qua, cầu càng rung mạnh.

Vẫn chở đất chạy ào ào qua cầu… yếu

Cầu Phò Nam (cầu treo dây văng) thuộc xã Hòa Bắc được đưa vào sử dụng năm 2001, tải trọng khai thác là 8 tấn. Qua quá trình sử dụng, cầu đã có dấu hiệu xuống cấp. Đặc biệt từ đầu năm 2009 đến nay, do việc xây dựng Trung tâm GDDN 05-06 tại Bàu Bàng và Khu dân cư Nam Yên thuộc Dự án Di dân khẩn cấp do thiên tai, lưu lượng xe tải chở vật liệu, chở đất phục vụ thi công qua cầu lớn, trong đó có nhiều xe quá tải, đã ảnh hưởng đến độ an toàn của cầu. Theo Sở Giao thông-Vận tải, quá trình kiểm tra hiện trạng cầu Phò Nam nhận thấy có một số hư hỏng ở vị trí trụ tháp; hệ dầm ngang-dọc bằng thép bị hoen gỉ; hệ dây văng gồm các ống bọc bảo vệ dây bị vỡ, dây cáp bị đứt... và đường hai đầu cầu bị lún, nứt, mặt đường bê-tông bị hư hỏng, ổ gà.
 
Sở đã chỉ đạo Công ty Quản lý Cầu đường phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, hạn chế các xe quá tải qua cầu và sửa chữa nhỏ... Ngày 21-3-2011, UBND thành phố ban hành Công văn số 1507 thống nhất chủ trương lập Báo cáo kinh tế kỹ thuật công trình sửa chữa, cải tạo cầu Phò Nam do Sở Giao thông-Vận tải lập, với quy mô sửa chữa, cải tạo vĩnh cửu, bảo đảm tải trọng thiết kế 8 tấn; mặt cắt ngang cho phép mở rộng từ 4,4m lên 5,2m; thay mới toàn bộ 40 dây văng và 80 neo trong kết cấu cầu cũ… với tổng kinh phí sửa chữa dự kiến gần 8 tỷ đồng. Trước mắt, giao trách nhiệm cho Công ty Quản lý Cầu đường tiếp tục duy trì trạm gác cầu Phò Nam và áp dụng chế độ tải trọng khai thác tạm thời là 1 xe tổng tải trọng 7 tấn chạy qua cầu có vận tốc nhỏ hơn 15km/giờ cho đến khi hoàn thành sửa chữa cầu…

Theo ghi nhận của chúng tôi vào trưa ngày 28-3, cầu Phò Nam đã được gỡ bảng tải trọng 8 tấn, thay bằng 7 tấn và gắn thêm biển “Cầu yếu”. Tuy nhiên, rải rác xe ben chở đất lớn, nhỏ vẫn ào ào chạy qua cây cầu yếu này, thậm chí nối đuôi nhau chạy 2-3 chiếc và tránh nhau ở giữa cầu… Thiết nghĩ, việc kiểm soát tải trọng của các xe chở đất qua cầu Hòa Xuân và Phò Nam cần quyết liệt hơn nữa, không để xe ben chở đất vượt tải trọng hàng tấn và một lúc nhiều xe cùng nối đuôi nhau qua cầu, ảnh hưởng đến độ an toàn, tuổi thọ của công trình.

Bài và ảnh: Nam Trân
;
.
.
.
.
.