Thực hiện chủ trương của thành phố, đến nay ở nhiều địa phương đã giải tỏa những ngôi mộ nằm trong các khu dân cư. Dù được sự đồng thuận của hầu hết nhân dân, nhưng do nhiều vướng mắc liên quan nên đến nay, các quận, huyện vẫn chưa thể di dời hết những “ngôi nhà âm” ra khỏi các khu dân cư.
Mộ người chết đan xen trong khu dân cư tổ 53, phường Chính Gián. |
Ở tổ 53 phường Chính Gián (quận Thanh Khê) hiện nay vẫn còn 15 ngôi mộ nằm trong một khu đất tập trung, nguyên trước đây là một nghĩa địa rộng, có nhiều mộ. Qua thời gian, cùng với quá trình chỉnh trang đô thị, nhiều dòng họ đã quy tập mộ về các nghĩa trang tộc họ nên giảm dần số lượng mộ. Việc tồn tại một số ngôi mộ trên hiện đang gây ô nhiễm môi trường nước, rác thải và ảnh hưởng đến cuộc sống của cư dân trong khu vực tổ 53.
Theo chân ông tổ trưởng tổ dân phố Ngô Văn Phú đi vào khu mộ, chúng tôi được ông cảnh báo: “Cẩn thận không sẽ “dính” kim tiêm của mấy đứa chích ma túy đấy”. Một cảnh tượng nhếch nhác đập vào mắt là rác thải người dân đổ vào khu mộ; mộ to mộ nhỏ, mộ chữ ta, mộ chữ tàu, mộ có tên lẫn mộ không tên; quần áo người sống cũng được giăng mắc lên khu “nhà” của người chết. Ông Phú cho biết, đã nhiều lần tổ kiến nghị lên phường, phường không đủ thẩm quyền giải quyết, chuyển lên quận. Rồi nghe đâu quận cũng “bó tay”, nên những ngôi mộ vẫn tồn tại... Cư dân ở trong tổ hiện nay ít người sử dụng nguồn nước ngầm, chỉ nhà nào không đủ khả năng dùng nước máy mới sử dụng.
Chưa hết, ngoài việc ô nhiễm môi trường, do khu mộ nằm lọt thỏm trong khu dân cư, nên đây là môi trường thuận lợi cho một bộ phận thanh-thiếu niên hư “cư ngụ” về đêm. “Chúng tụ tập hít keo chó, chích ma túy. Người dân rất lo sợ chúng khi lên cơn nghiện mà thiếu thuốc sẽ quậy phá, trộm cắp, cướp giật. Vừa rồi đã có mấy vụ mất trộm xảy ra kể từ sau Tết”, ông Phú cho biết. Bà con ở đây mong thành phố sớm có giải pháp hợp lý, di dời hết số mộ này ra khỏi khu vực, chuyển đổi thành khu đất tái định cư hoặc xây dựng khu vui chơi, xây nhà văn hóa tổ.
Trên thực tế, chủ trương thành phố là vậy, nhưng khi thực hiện, chính quyền cơ sở gặp những vướng mắc chưa thể giải quyết được. Bài toán “giải tỏa” khu mộ tại tổ 53 phường Chính Gián nói riêng và toàn quận Thanh Khê nói chung là một ví dụ điển hình. Hiện toàn quận Thanh Khê còn 1.167 ngôi mộ nằm đan xen trong các khu dân cư rải khắp 9/10 phường. Nhiều nhất là các phường Hòa Khê (399 mộ), Thanh Khê Đông (341 mộ), Thạc Gián (217 mộ)… Đến nay mới chỉ có một số mộ thuộc tộc họ Nguyễn trên địa bàn phường Hòa Khê di dời theo đơn tự nguyện. Bà Nguyễn Thị Hồng, chuyên viên Thanh tra Phòng Tài nguyên-Môi trường quận Thanh Khê cho biết: “UBND quận đã có đề xuất lên thành phố hướng giải quyết và chờ ý kiến chỉ đạo về việc vận động di dời mồ mả ra khỏi khu dân cư.
Tuy nhiên, đến nay sau gần nửa năm, thành phố vẫn chưa có phản hồi chỉ đạo xuống quận. Vì thế, quận rơi vào lúng túng trong việc vận động di dời mồ mả trong khu dân cư”. Khó khăn lớn nhất trong di dời mồ mả, theo bà Hồng là quận không đủ thẩm quyền giải quyết khi chưa có ý kiến chỉ đạo của thành phố cũng như không có nguồn kinh phí thực hiện di dời. Đối với trường hợp tộc Nguyễn ở Hòa Khê, do xét thấy phù hợp với quy hoạch và chủ trương của thành phố nên quận đã tạo điều kiện pháp lý để thực hiện.
Tình trạng “sống chung với người chết” bấy lâu nay đang gây ra nhiều hệ lụy với người dân trong các khu dân cư. Tuy nhiên, việc thực hiện di dời theo chủ trương của thành phố đến nay vẫn còn là một chặng đường gian nan cho cả người dân và chính quyền cơ sở. Thiết nghĩ, thành phố cần sớm có những giải pháp, chính sách cụ thể, hợp lý để phát huy tính đồng thuận của nhân dân trong chủ trương chung.
Bài và ảnh: Trọng Huy