.
Vấn đề bạn đọc quan tâm

Nỗi lo ATVSTP mùa hè

.

Mùa nắng đang cận kề. Nỗi lo lắng về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) cũng đang được đặt ra, nhất là đối với thức ăn đường phố.

Mô tả ảnh.
Thức ăn đường phố phần lớn không bảo đảm ATVSTP.

 

100% thức ăn đường phố chưa bảo đảm ATVSTP

Dù chưa rầm rộ vì mùa nắng mới chỉ chạm ngõ, nhưng rải rác trên các ngả đường đã xuất hiện nhiều quán nước giải khát, quán ăn di động với đủ loại thức ăn vặt, nước mía, nước dừa, chè, xôi… mọc lên. Những hàng quán này luôn dịch chuyển, chủ quán kinh doanh theo diện tự do, vốn nhỏ, sản phẩm được chế biến bằng thủ công là chính; đặc biệt không hề có giấy phép kinh doanh cũng như không có cơ quan chức năng nào kiểm tra chất lượng ATVSTP. Người bán hàng phần lớn không có kiến thức về ATVSTP, hầu như không quan tâm đến môi trường sản xuất, điều kiện kinh doanh. Với họ, miễn sao mỗi ngày kiếm được mấy chục ngàn để mưu sinh cho bản thân và gia đình.

Chị bán nước mía trên đường Nguyễn Lương Bằng, cạnh Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng tâm sự, hồi trước chị đi làm công nhân trong khu công nghiệp, lương ba cọc ba đồng không đủ trang trải cho cuộc sống gia đình. Chị bỏ việc và mở quán nước mía này để bán cho học sinh, sinh viên và người qua đường. “Mùa nắng nước mía mới bán được, vốn liếng có bao nhiêu đâu mà đăng với chả ký, mỗi ngày kiếm được trăm ngàn là con cái ấm bụng rồi”. “Cơ sở sản xuất” của chị rất đơn giản, gồm một máy ép mía, nguyên liệu được nhập từ một đại lý chuyên cung cấp mía cây cho các hàng nước mía (nguồn mía từ Hòa Bắc), mươi cái ly và đá lạnh, ít muối, ống hút thế là hành nghề. Nhìn ly nước mía nguyên sơ với bã mía chưa lọc hết được ép ra từ cây mía chưa cạo sạch, không ai bảo đảm nó hoàn toàn “sạch” như bảng quảng cáo “nước mía siêu sạch” treo trước quán. Nguyễn Văn Sơn, sinh viên Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng ghé uống nước cho biết: “Chẳng biết nó có sạch hay không, nhưng nước mía mát, ngọt, đã cơn khát khi đi dưới trời nắng nên cứ uống. Bao năm rồi người ta vẫn uống đó thôi, có ai bị làm sao đâu. Có điều, nước mía bây giờ cũng… “té” theo xăng, tăng giá vùn vụt từ 1.500 đồng lên 5.000 đồng”.

Người bán sơ sài, người tiêu dùng chủ quan là nguyên nhân dẫn đến mất ATVSTP đối với loại hình thức ăn đường phố. Còn nhớ ngày 16-9-2010, sau khi ăn xôi gà, 24 người dân ở tổ 48, 49 phường Xuân Hà (quận Thanh Khê, Đà Nẵng) đã phải nhập viện cấp cứu vì ngộ độc là một dẫn chứng điển hình về vấn đề mất ATVSTP đường phố.

Cơ quan chức năng bó tay

Trong năm 2010, Chi cục ATVSTP thành phố đã thành lập 145 đoàn kiểm tra ở cả 3 cấp từ thành phố đến quận, huyện và phường, xã. Theo đó, đã kiểm tra 6.261 cơ sở sản xuất kinh doanh, đạt tỷ lệ 93% (đối với cơ sở kinh doanh, sản xuất cố định). Có 5.431 cơ sở đạt tiêu chuẩn, chiếm tỷ lệ 86,7%; 830 cơ sở vi phạm, chiếm 13,2%, xử phạt 242 triệu đồng. Các vi phạm chủ yếu như người sản xuất, kinh doanh không được tập huấn về ATVSTP; không khám sức khỏe; không đủ điều kiện vệ sinh trong các cơ sở sản xuất; không đạt tiêu chuẩn về các chỉ số an toàn về nhiễm vi khuẩn, hóa chất cấm (nhất là hàn the). Tuy nhiên, đây mới chỉ là con số kiểm tra đối với các cơ sở kinh doanh cố định, có đăng ký. Còn đối với mạng lưới kinh doanh thức ăn đường phố thì hoàn toàn bất lực.

Giải thích vấn đề này, ông Nguyễn Minh Tiến, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP thành phố cho biết: “Do mạng lưới kinh doanh thức ăn đường phố không ổn định, không có giấy phép kinh doanh, kinh doanh nhỏ lẻ, manh mún, không tập trung. Bên cạnh đó, ý thức người kinh doanh loại hình này chưa cao, đội ngũ cán bộ, nhân viên kiểm tra còn mỏng nên không thể “kham” hết được”. Theo ông Tiến, công tác kiểm tra ATVSTP không chỉ lực lượng mỏng ở hầu hết các tuyến mà còn vừa thiếu, vừa yếu về kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn. Chế tài xử phạt chưa rõ ràng, nhiều vướng mắc và rối rắm dẫn đến hiệu quả công việc trì trệ, tốn công sức và thời gian. Đối với kinh doanh thức ăn đường phố, cơ quan chức năng mới chỉ dừng lại ở mức nhắc nhở, tuyên truyền là chính. Việc quản lý loại hình kinh doanh này còn rất nhiều nan giải nếu không nói là… bó tay!

Bài và ảnh: Trọng Huy

;
.
.
.
.
.