Cầu Cẩm Lệ được thi công bằng công nghệ đúc hẫng (thi công dầm hộp liên tục bê-tông cốt thép dự ứng lực bằng phương pháp đúc hẫng cân bằng). Cầu nằm trên tuyến đường nối giữa Quốc lộ 14B và Quốc lộ 1A nên có lưu lượng phương tiện lưu thông qua cầu đông, đặc biệt là các loại xe có trọng tải lớn.
Những năm gần đây, mỗi ngày có cả ngàn lượt xe tải ben chở đất lưu thông từ các dự án khu dân cư Nam cầu Cẩm Lệ ra Quốc lộ 14B để đến các mỏ đất và nhiều xe tải chở vật liệu xây dựng, phục vụ nhu cầu xây dựng nhà cửa của người dân ở các khu dân cư nói trên. Trải qua thời gian gánh nặng cả ngàn lượt xe trọng tải lớn mỗi ngày, cầu Cẩm Lệ giờ cắm biển cho phép tải trọng xe tối đa lên cầu chỉ… 13 tấn (ảnh trên). Tuy nhiên, đứng trên cầu Cẩm Lệ không khó cảm thấy cầu đang rung lên mỗi khi có ô-tô lên đầu cầu. Trên lan can dành cho người đi bộ, có khá nhiều viên gạch bị vỡ và bong. Đặc biệt, ngay tại trụ điện chiếu sáng số 22 và chính giữa hai trụ điện chiếu sáng số 16 và 17, hai hàng gạch có hiện tượng phồng lên rất cao (ảnh dưới).
Đề nghị ngành Giao thông-Vận tải sớm quan tâm đến nguyên nhân gây các hư hỏng trên cầu Cẩm Lệ như đã nói ở trên và có biện pháp khắc phục; lắp đặt biển báo yêu cầu giảm tốc độ, khoảng cách tối thiểu giữa 2 xe khi lưu thông qua cầu. Ngoài ra, trên cầu Cẩm Lệ, đất cát tồn đọng do các xe chở đất làm rơi vãi, gây nhiều bụi, đường trơn trượt cho người đi đường khi trời mưa và dễ hư hỏng mặt cầu khi ô-tô chạy trên cầu nhiều. Rất mong đơn vị chức năng quan tâm giải quyết để bảo an toàn cho người, phương tiện qua cầu và cho cả cây cầu.
KHÁNH HÀ