Vừa qua, Báo Đà Nẵng nhận được phản ánh của bạn đọc về tình trạng ngư dân bị mất trộm ngư lưới cụ khi neo đậu tại Âu thuyền Thọ Quang. Qua phản ánh, hàng trăm ngư dân các tỉnh Quảng Bình, Quảng Ngãi, Bình Định, Quảng Nam... hành nghề lưới vây, mành chụp trên vùng biển Đà Nẵng luôn đối mặt với tình trạng mất trộm ngư cụ, nhất là chì trong lưới đánh bắt cá.
Do số lượng phương tiện và người hoạt động tại cảng cá và Âu thuyền Thọ Quang khá đông, giờ giấc bất chừng nên công tác bảo đảm an ninh trật tự khá vất vả. |
Theo một số chủ tàu, lợi dụng việc ngư dân xếp lưới trên boong tàu để phơi sau chuyến bám biển dài ngày hoặc đi mua lương thực, thực phẩm, nhiên liệu để chuẩn bị cho chuyến ra khơi mới, kẻ gian đã đột nhập lên tàu cắt trộm chì trong lưới đánh bắt cá, gây thiệt hại từ 10 - 15 triệu đồng, chưa kể nhiều tàu cá khác bị trộm mất chì với số lượng nhỏ. Lưới cá mà mất chì, thì việc đánh bắt cá không thực hiện được.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhằm bảo đảm an ninh trật tự tại Âu thuyền Thọ Quang, một tổ công tác thuộc Đồn Biên phòng 252 được đóng ngay tại đây với tên gọi là Tổ bảo đảm an ninh trật tự cảng cá (Tổ công tác biên phòng) Âu thuyền Thọ Quang. đồng chí Nguyễn Viết Quý – Tổ trưởng cho biết, trước đây có tình trạng kẻ gian lên các thuyền của ngư dân cắt trộm chì trong lưới đánh cá. Tuy nhiên, nhờ tăng cường công tác tuần tra, bảo đảm an ninh trật tự và tuyên truyền cho các chủ tàu đề cao cảnh giác trong bảo quản, phơi phóng ngư lưới cụ, nên hơn 1 tháng trở lại đây không nhận được tin báo tình trạng mất cắp chì tái diễn.
Còn theo lãnh đạo Đồn Biên phòng 252, có nhiều nguyên nhân để xảy ra mất cắp chì, ngư lưới cụ, thậm chí cả hải sản sau khi đánh bắt về cảng, trong đó phần nhiều là do chủ tàu và người trên tàu hay uống rượu say, ngủ quên, mất cảnh giác để kẻ gian lẻn lên tàu hoặc người hốt hầm cá lợi dụng lấy cắp. Việc mất cắp chì chủ yếu xảy ra ở các tàu ngoại tỉnh, có tàu báo với lực lượng biên phòng, có tàu không báo, hoặc mất cắp vài ngày mới báo. Sau khi rộ lên thông tin mất cắp chì, lực lượng biên phòng tăng cường công tác tuyên truyền cho bà con ngư dân, nhất là các tàu bị mất trộm đề cao cảnh giác, tự bảo vệ tài sản của mình; đi xác minh một số cơ sở thu mua phế liệu, đối tượng làm nghề ghe chèo; tăng cường công tác tuần tra, xây dựng kế hoạch mật phục, đón bắt các đối tượng trộm cắp trên sông, trên cảng…
Cũng theo Đồn Biên phòng 252, số lượng tàu thuyền ra vào cảng để bán hải sản, mua nhiên liệu, lương thực, nước uống… và neo đậu trong âu thuyền rất nhiều, có nhiều tàu ngoại tỉnh, giờ giấc hoạt động lại bất chừng và chủ yếu kéo dài từ 22 giờ đêm đến 8 giờ sáng hôm sau. Số lượng người và xe ra vào cảng ăn hàng cũng rất đông và phức tạp, nên công tác bảo đảm an ninh trật tự tại cảng cá và Âu thuyền Thọ Quang của lực lượng biên phòng khá vất vả. Từ đầu năm 2010 đến nay, đã giải quyết 31 vụ với 59 đối tượng làm mất an ninh trật tự tại cảng cá và âu thuyền, xử phạt hành chính gần 20 triệu đồng, trong đó có 24 vụ uống rượu say rồi đánh nhau, 5 vụ có hành vi trộm cắp tài sản và 2 vụ ngang nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác.
Cuối năm 2010, Đồn Biên phòng 252 đã tham mưu thành phố xây dựng mô hình “Âu thuyền - cảng cá an toàn, văn hóa”. Vừa qua, Ban chỉ đạo thực hiện mô hình gồm: UBND quận Sơn Trà, Đồn Biên phòng 252, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… đã được ra mắt. Những người làm nghề xe thồ, hốt hầm cá… hoạt động trong cảng được tổ chức thành Đội xe thồ tự quản, Đội hốt hầm tự quản… góp phần bảo đảm an ninh trật tự. Đồng thời, tuyên truyền cho bà con ngư dân, tư thương hoạt động trong cảng xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh thương mại.
Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP