.
Qua đơn-thư bạn đọc

Lớp học trên bãi rác Khánh Sơn

Nhìn hơn 400 phụ nữ ngày ngày cặm cụi trên bãi rác Khánh Sơn, nhặt mót những thứ người ta bỏ đi để kiếm sống cho gia đình mà trong đó phần lớn chị em đều thất học, chị Nguyễn Thị Ân, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) không cầm lòng.

Từng là một giáo viên đầy tâm huyết với nghề, sau khi về làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường, chị Ân luôn trăn trở làm sao để đưa đời sống chị em phụ nữ trong phường sớm thoát khỏi đói nghèo, vươn lên làm chủ cuộc sống bản thân và gia đình. Nghĩ là vậy, nhưng để đi vào thực hiện là cả một chặng đường gian nan, thử thách. Đặc biệt trong phường cho đến nay, số chị em còn thất học chiếm tỷ lệ rất lớn. Từ ý tưởng “mong phụ nữ tự tay viết tên mình lên trang giấy”, chị quyết tâm thực hiện cho chị em đang hằng ngày mưu sinh trên bãi rác Khánh Sơn.

Hiểu rõ điều kiện, hoàn cảnh khó khăn cũng như tuổi tác của các “học sinh” đặc biệt này, chị Ân đã nghĩ ngay đến chuyện mở lớp xóa mù chữ tại gia  để có thể dễ dàng vận động chị em tham gia học tập, vừa phù hợp với chuyên môn của cô Ân, đồng thời để chị em an tâm vượt qua mặc cảm. Bàn ghế, bảng phấn, bút mực đều do mình cô Ân lo liệu, từ việc đi xin cho đến tự bỏ tiền ra sắm dụng cụ học tập cho các “học sinh” của mình. Có lớp rồi, cơ sở vật chất cũng tạm ổn, nhưng nhân tố quan trọng là học viên thì lại… còn thiếu. Thế là chị phải đi vận động từng chị em tham gia lớp. Nhận thấy tâm huyết cũng như sự nhiệt tình của cô Ân, chị em trên bãi rác cảm động vô cùng, nhưng rút cuộc cũng chỉ được… 6 chị tham gia lớp học. “Thật ra thì rất nhiều chị em muốn tham gia, nhưng do hoàn cảnh, điều kiện gia đình quá khó khăn, ngoài việc nhặt rác mưu sinh còn phải chăm lo cho cả gia đình nên đành chịu. Chúng tôi sẽ tiếp tục vận động chị em tham gia lớp học, đồng thời tìm mọi cách bổ sung sách vở, bàn ghế để duy trì và phát triển lớp. Thấy hiệu quả công việc nhỏ bé của mình mà giúp được các chị em thế này tôi vui lắm, công sức bỏ ra bao nhiêu cũng không cảm thấy uổng phí. Chứ mỗi lần nhìn các chị ra ngân hàng vay vốn mà đến cái tên mình cũng không biết ký, phải lăn tay lấy dấu, tôi trăn trở lắm” - chị Ân tâm sự.

Lớp học đặc biệt của cô giáo Ân đến nay có 6 học viên đều ở độ tuổi U30 – U40 gồm Nguyễn Thị Lan, Nguyễn Thị Phượng, Phan Thị Bé, Thái Thị Dung, Nguyễn Kim Yến và Nguyễn Kim Xuân. Tất cả các chị đều là con nhà nghèo, thất học, lớn lên trên bãi rác. Có chồng, đông con lại tiếp tục… nghèo. Nhưng từ khi đến với lớp học, sau phút giây bỡ ngỡ ban đầu với con chữ, ngượng ngùng với cây bút, rồi dần dần niềm vui hứng thú học tập cũng đến với các chị. Nhìn “học trò” của mình xúm xít trao đổi bài vở, cô giáo Ân không giấu nổi xúc động. Thế là không chỉ chị em biết viết, biết đọc tên của mình mà còn tìm được tiếng nói chung trên trang sách vỡ lòng với con cái mình. Đó là niềm vui tưởng chừng như sẽ không bao giờ đến nếu ngày đó chị Ân không mạnh dạn mở lớp.

Cô học viên Thái Thị Dung, sinh năm 1973, tâm sự: “Ngày đầu cầm cây bút chẳng dễ chút nào, bàn tay chai sần, thô kệch đã quen lao động, bây giờ phải ngồi vào bàn học mà tập viết, rèn chữ thì nó cứng đờ ra, viết được mấy nét đã mỏi cả tay, bút thì cứ rớt lên rớt xuống. Những khi ấy, cô Ân như một người mẹ, người cô cần mẫn, cầm lấy tay học viên nắn nót từng con chữ, học viên viết được chữ nào cô giáo lại mỉm cười động viên, khen ngợi. Vì thế nên mọi người trong lớp ai cũng tự tin và mạnh dạn hơn lên”.

Trọng Huy
;
.
.
.
.
.