.
Qua đơn thư bạn đọc

Sống mòn giữa vùng mỏ đất, đá

.

Bao bọc 2 thôn Phước Hậu và Phước Thuận, xã Hòa Nhơn có 8 mỏ đá, 2 lò gạch tuy-nen, 1 trạm trộn bê-tông, 1 kho than và gần chục mỏ đất. Nhiều năm qua, không chỉ dãy núi Phước Tường bị nham nhở bởi việc khai thác đất, đá, mà cuộc sống của hơn 100 hộ dân 2 thôn cũng bị đảo lộn do các hoạt động khai thác, sản xuất và vận chuyển.

 

Mô tả ảnh.
Dưới chân núi nham nhở, người dân phải sống chung với bụi, tiếng ồn và sản xuất bị đình trệ do đồng ruộng bị bồi lấp, thiếu nước tưới, năng suất thấp...

 

Nhìn từ đường tránh Nam Hầm Hải Vân – Túy Loan, thôn Phước Hậu xác xơ, phủ đầy một màu trắng đục của bụi lên từng nếp nhà, cành cây, ngọn cỏ. Khắp nơi đang mùa lúa chín rộ nhưng nhiều thửa ruộng bị bỏ hoang. Nhưng “Cỏ cũng không mọc rậm nổi vì bụi đá phủ do gió cuốn thốc từ các mỏ đá về. Đồng ruộng bị lấp do nước mưa kéo bột đá từ trên núi xuống. Trồng cây chuối thì bị chết khô…” – một người dân cho biết. Ngay đầu đường dẫn vào thôn, có một quán cà-phê, giải khát nhỏ, nhưng đông khách suốt ngày, đặc biệt là thanh niên mới lớn và trung niên, trong đó tụ tập đánh cờ là chủ yếu. Hỏi ra mới hay là do người làng bỏ đi nơi khác sinh sống, làm ăn nhiều, chỉ còn lại ít người, không biết làm gì để sinh sống khi đồng ruộng bị bồi lấp, trồng cây cối bị chết khô hoặc còm cỏi, không ra quả...

Gặp bà Trần Thị Thiện trên đường về phía cuối thôn, cạnh các mỏ khai thác và chế biến đá, kho than, trạm trộn bê-tông, bà kêu trời: “Khổ lắm! Mỗi khi mìn nổ là nhà cửa rung bần bật, mái tôn như muốn dỡ tung, tiếp đó là bao nhiêu bụi đổ trùm xuống đây và cả khói đen khét lẹt từ 2 lò gạch tuy-nen cũng bay qua. Tui năm nay 71 tuổi rồi mà chẳng biết làm gì ăn để sống phần đời ngắn ngủi còn lại, đồng ruộng phải bỏ hoang, mấy cây mít những năm trở lại đây trụi lụi dần lá, chẳng ra quả”. Chị Ngô Thị Hương dẫn chúng tôi vào nhà xem vết nứt ngang ở tường nhà ngay cửa chính ra vào, dài hơn 1 mét.

Chị bức xúc: “Ở chòm này có 10 nhà ở cạnh mỏ đá, kho than… suốt ngày hưởng bụi, khói, tiếng nổ mìn và tiếng ồn do xay đá”. Người dân còn cho hay, các doanh nghiệp khai thác, sản xuất ở đây có đền bù thiệt hại sản xuất lúa, hoa màu cho bà con, song ít ỏi và đưa tiền thì người dân tiêu liền, nên quanh năm thiếu thốn và nhìn ruộng, vườn phải bỏ hoang mà xót. Theo ông Lưu Sự - Trưởng thôn Phước Hậu, cả thôn có hơn 60 hộ dân, sống bằng nghề nông, nhưng cánh đồng từ 15ha giờ chỉ còn 8ha năng suất kém vì bị san lấp và không chủ động được nguồn nước tưới do từ khi các doanh nghiệp khai thác đá hoạt động, các hồ nước tự nhiên cũng cạn kiệt... 

Được biết, huyện Hòa Vang đang khảo sát để kiến nghị trên di dời dân ở Phước Thuận và Phước Hậu, quy hoạch vùng này thành cụm công nghiệp nhẹ. Thiết nghĩ, đây là hướng giải quyết đúng đắn nhằm bảo đảm đời sống của nhân dân.

Bài và ảnh: NAM TRÂN

;
.
.
.
.
.