.

Đủ kiểu trộm điện: Dân nghèo câu trộm điện

.

Khá nghịch lý là hầu hết số vụ trộm cắp điện phục vụ sinh hoạt và mục đích khác xảy ra trên địa bàn thành phố đều do các hộ dân nghèo thực hiện, với dụng cụ rất thô sơ và dễ bị phát hiện.

 

Mô tả ảnh.
Tang vật khá thô sơ mà hộ ông Cao Minh đã dùng để câu trộm điện.    Ảnh: DNP

Ngày 20-5, trong lúc đang kiểm tra hệ thống lưới điện, kiểm tra viên Điện lực Thanh Khê phát hiện tại số nhà 55 đường Cù Chính Lan, hộ ông Cao Minh đấu điện trực tiếp từ lưới cáp vặn xoắn vào nhà để sử dụng cho sinh hoạt, không qua công-tơ đo đếm. Sau đó, nhân viên điện lực đã cùng với chủ hộ đếm số lượng, công suất và thời gian sử dụng các thiết bị tiêu thụ điện trong nhà, trừ đi số ngày bị cúp điện và dựa trên bảng tính do Bộ Công thương ban hành, đã cho ra một bảng tính toán số lượng điện năng tiêu thụ ngoài công-tơ mà chủ hộ phải bồi thường lên đến… 1.915 kWh, tương đương số tiền 4,133 triệu đồng.

 

Ông Cao Minh đang đối diện với mức xử phạt tiền từ 15-20 triệu đồng đối với hành vi trộm cắp điện với số lượng từ 1.500-2.000 kWh theo khoản 8, điều 14, Nghị định số 68/2010/NĐ-CP ngày 15-6-2010 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm pháp luật trong lĩnh vực điện lực. Ông Cao Minh tường trình: “Tôi phát hiện sợi dây điện xoắn đi ngang sau nhà tôi bị tróc vỏ nhựa bọc bên ngoài, từ đó có ý định câu trộm điện để dùng. Đợi trời tối, ít người qua lại và không ai để ý, tôi móc vào đoạn dây xoắn bị tróc vỏ bọc ra đó một sợi dây nóng, câu vào nhà và lấy một sợi dây nguội câu từ trong nhà đấu vào một ổ cắm trên gác để dùng 2 quạt máy lúc ngủ. Ban ngày tôi bán cơm bình dân cho giới lao động, thợ nề, bán vé số,… vào ăn nên không dám sử dụng vì sợ bị phát hiện. Tôi chỉ dám câu điện sử dụng vào buổi tối, đến 4 giờ sáng là dậy cất đi. Lúc 10 giờ sáng ngày 20-5, nhân viên điện lực ghi số điện tại trụ điện thì bị phát hiện do có người hàng xóm báo. Tôi lấy làm hối hận với việc mình đã làm, vì lúc đó tôi suy nghĩ quá đơn giản”. Ngày 24-5, Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng đã chuyển hồ sơ vụ việc cho Thanh tra Sở Công thương thành phố để có quyết định xử lý, giáo dục, răn đe, phòng ngừa chung.

Trước đó, ngày 17-5, kiểm tra viên Điện lực Thanh Khê cũng bắt quả tang tại số nhà 580 Trường Chinh, hộ ông Nguyễn Đức Thư đấu điện trực tiếp tại cổng vào pha A của công-tơ điện để sử dụng điện cho sản xuất mỳ lá không qua đo đếm. Số điện năng tính toán hộ ông Nguyễn Đức Thư đã ăn cắp, xài chui để sản xuất mỳ lá và buộc bồi thường lên đến… 5.813 kWh, tương đương 13,123 triệu đồng. Điện lực Đà Nẵng đã lập biên bản kiểm tra sử dụng điện, biên bản xử phạt vi phạm pháp luật trong lĩnh vực điện lực, bảng tính toán tiền bồi thường do trộm cắp điện và đã được hộ vi phạm ký xác nhận. Theo Điện lực Đà Nẵng, đây là trường hợp trộm cắp điện có số lượng lớn, vượt quá khung xử lý theo Nghị định số 68/2010/NĐ-CP nên ngày 23-5, đã chuyển hồ sơ của vụ việc cho cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Thanh Khê để xử lý hình sự.

Theo tin từ Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng, từ đầu năm 2011 đến nay, đã phát hiện, bắt quả tang 7 trường hợp trộm cắp điện năng tiêu thụ, truy thu sản lượng điện 58.357 kWh tương đương số tiền 191,516 triệu đồng, chưa kể 2 vụ trộm cắp điện năng mới phát hiện nói trên. Trong khi đó, theo ông Nguyễn Đức Tuyến – Phó chánh Thanh tra Sở Công thương, trong số 40 trường hợp vi phạm các quy định trong lĩnh vực điện lực của năm 2010 bị xử phạt thì có đến 26 cá nhân ăn cắp điện, bị xử phạt 98,7 triệu đồng và hầu hết đều là hộ nghèo, có hoàn cảnh rất khó khăn, thủ đoạn trộm cắp điện cũng khá thô sơ, dễ phát hiện.

(Còn nữa)

NAM TRÂN

;
.
.
.
.
.