.

Đủ kiểu trộm điện: Nộp tiền phạt và bồi thường khá nặng

.

Đối với các trường hợp trộm cắp điện năng, bên cạnh việc lập biên bản xử phạt vi phạm pháp luật trong lĩnh vực điện lực theo Nghị định số 68/2010/NĐ-CP còn bị truy thu lại số tiền bồi thường tương đương với sản lượng điện năng bị thất thoát, hồ sơ vụ việc được chuyển đến cơ quan có thẩm quyền để xử lý. Trường hợp trộm cắp điện có số lượng dưới 3.000 kWh, hồ sơ được chuyển cho Thanh tra điện lực Sở Công thương ra quyết định xử phạt hành chính; trường hợp có số lượng trộm cắp điện trên 3.000 kWh, hồ sơ được chuyển đến cơ quan Công an điều tra để xử lý hình sự.

 

Mô tả ảnh.
Sơ đồ đấu dây dẫn, áptômát và cầu dao 2 chiều để trộm cắp điện.

 

Theo Điều 14, Nghị định số 68/2010/NĐ-CP về xử phạt vi phạm các quy định về sử dụng điện, đối với hành vi trộm cắp điện năng dưới mọi hình thức từ dưới 1.000 kWh đến dưới 3.000 kWh để phục vụ mục đích sinh hoạt, phạt tiền từ 10 đến 30 triệu đồng và phạt tiền từ 10 đến 40 triệu đồng đối với hành vi trộm cắp điện năng dưới mọi hình thức với số lượng từ 200 kWh đến dưới 3.000 kWh để phục vụ các mục đích khác. Từ cuối năm 2009 đến nay, Thanh tra Sở Công thương cũng đã ra quyết định xử phạt hành chính khá nặng nhiều trường hợp trộm cắp điện với số lượng khá lớn như hộ ông Phạm Đức Tuyên (169-Nguyễn Đức Cảnh) bị phạt 10 triệu đồng; Phạm Văn Sơn (K221/02-Trường Chinh) 15 triệu đồng; Nguyễn Tam Sơn (40-Châu Văn Liêm) 22,3 triệu đồng; Trà Cẩm (65-Nguyễn Khuyến) 25 triệu đồng;… Ngoài ra, những trường hợp vi phạm này còn phải bồi thường cho ngành điện số lượng điện năng xài trộm được 2 bên tính toán quy ra số tiền rất cao.

Trong khi đó, hồ sơ một số vụ trộm cắp điện năng trên 3.000 kWh chuyển sang cơ quan cảnh sát điều tra đều bị trả lại vì khó có căn cứ quy tội do số điện năng trộm cắp chỉ là tính toán. Điển hình như vụ Công ty CP Kim Gia Thành (50/2-Hàm Nghi, kinh doanh dịch vụ, nhà hàng) bị phát hiện dùng sợi dây dẫn 2 ruột màu đen đấu trực tiếp trên lưới điện hạ thế, đưa vào nhà hàng để sử dụng (không qua công-tơ đếm điện). Mặt khác, dùng áptômát và cầu dao 2 chiều đóng điện cho đồng hồ đếm, để thỉnh thoảng đóng điện sang dùng bình thường nhằm qua mặt, che giấu hành vi trộm cắp.

Vụ việc được phát hiện, lập biên bản vào ngày 27-1-2011, sau đó các bên cùng tính toán, thống nhất sản lượng điện trộm cắp, phải bồi thường lên đến… 48.026 kWh, tương tương 168,68 triệu đồng và phạt thêm 12,267 triệu đồng vì vi phạm hợp đồng. Hồ sơ vụ việc được chuyển sang cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận và Viện Kiểm sát nhân dân quận Thanh Khê nhưng đều bị trả lại. Sở Công thương trình lên UBND thành phố xem xét xử phạt hành chính vì vượt thẩm quyền xử phạt của Sở. Tháng 3-2011, Công ty CP Kim Gia Thành đã nộp tiền bồi thường trước 90 triệu đồng để điện lực đóng điện cho hoạt động kinh doanh trở lại nhằm có tiền nộp tiếp bồi thường còn lại theo như cam kết.

Nghị định số 68/2010/NĐ-CP còn quy định: phạt tiền từ 2-4 triệu đồng khi tự ý lắp đặt, đóng, cắt, sửa chữa, thay thế các thiết bị điện và công trình điện của bên bán điện; phạt tiền từ 5-7 triệu đồng khi làm hư hại, tự ý di chuyển, làm sai lệch hệ thống đo đếm điện (kể cả hòm bảo vệ công tơ, các niêm phong và sơ đồ đấu dây), thiết bị điện và công trình điện của bên bán điện, sử dụng các thiết bị với mục đích gây nhiễu làm hư hại, sai lệch thiết bị truyền số liệu, đo lường, bảo vệ của hệ thống điện...

 

NAM TRÂN

;
.
.
.
.
.