Vừa qua Báo Đà Nẵng nhận được đơn khiếu nại của một số hộ dân ở hai tổ 24, 25 - phường Vĩnh Trung (quận Thanh Khê) về việc có 4 hộ ở tổ 25 làm nghề cơ khí, gò, hàn gây ảnh hưởng nghiêm trọng về môi trường, tiếng ồn, xả khí thải độc hại trong khu dân cư.
Mặc dù vẫn hoạt động, nhưng có “động tĩnh”, các cơ sở này đóng cửa “án binh bất động” (ngôi nhà có xe máy dựng trước cửa là cơ sở sản xuất cơ khí trên đường Bàu Hạc 4). |
Theo đơn khiếu nại, trong quá trình làm nghề cơ khí, gò, hàn, các hộ ông Huỳnh Lợi, Trần Văn Hòa, Trần Văn Tú, Hoàng Giáp (đều thuộc tổ 25) nằm trong kiệt hẻm tổ 24, 25 đã gây ảnh hưởng đến cuộc sống của các hộ dân trong khu dân cư sát cạnh. Các hộ liền kề thường xuyên phải chịu đựng mùi khói que hàn độc hại, tiếng ồn từ đập đe đinh tai nhức óc. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết các cơ sở sản xuất cơ khí này đã hoạt động từ hơn 10 năm nay, thời gian gần đây có mức độ ô nhiễm (về môi trường và tiếng ồn) cường độ cao hơn nên đã gây bức xúc cho các hộ dân bị ảnh hưởng.
Ngày 18-4-2011, sau khi nhận được đơn khiếu nại của các hộ dân nói trên, UBND phường Vĩnh Trung đã triệu tập cuộc họp gồm các bên liên quan để tìm hướng khắc phục. Kết luận của UBND phường trong văn bản ghi rõ, 4 hộ sản xuất nói trên phải ngừng hoạt động kể từ ngày 19-4-2011, và phải khẩn trương di dời ra khỏi khu vực dân cư trong thời gian 10 ngày. Tuy nhiên, tính từ thời điểm lập biên bản đến nay đã gần 60 ngày, nhưng việc chấp hành của 4 hộ sản xuất cơ khí nói trên vẫn chưa thực hiện triệt để. Trao đổi với ông Huỳnh Văn Tuấn, tổ trưởng tổ 24, được biết mặc dù phường đã có cuộc họp và yêu cầu các hộ nói trên ngưng sản xuất, song họ vẫn tiếp tục hoạt động. Việc gây ảnh hưởng đến môi trường sống xung quanh là quá rõ ràng, nhưng không hiểu sao tình trạng này vẫn chưa thấy phường tiến hành dẹp bỏ triệt để.
Ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch UBND phường Vĩnh Trung thừa nhận thực trạng trên và cho biết phường đang khẩn trương tiến hành các biện pháp hữu hiệu nhất để giải quyết vụ việc. Ông Hải cho biết: “Trong thời gian chờ di dời, phường đã yêu cầu các hộ sản xuất nói trên phải có biện pháp chống ồn bằng việc làm cửa sắt kết hợp cửa kính bên ngoài, đồng thời có ống khói thông hơi từ nhà lên trời”. Như vậy, nghĩa là để các hộ này có thể hoạt động, phường sẽ mở cho một “đường sống” là “khép kín” kinh doanh trong nhà. Tuy thế, đây có phải là giải pháp hữu hiệu khi khói thải vẫn thoát ra ngoài, tường nhà không bảo đảm cách âm cao?
Hiện toàn phường Vĩnh Trung có trên 10 cơ sở sản xuất gia công cơ khí. Theo Quyết định 23/2010/QĐ-UBND của UBND thành phố ra ngày 10-8-2010, trong Mục 3-Bảo vệ môi trường đô thị, khu dân cư, Điều 15, 16 quy định: “Các ngành nghề sản xuất không được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, không cấp mới hoặc điều chỉnh giấy phép đầu tư trong khu dân cư được quy định (trong đó có các ngành gia công cơ khí gồm rèn, đúc, cán kéo kim loại, dập, cắt, gò, hàn, sơn)” (Điều 15). “Các cơ sở thuộc danh mục ngành nghề sản xuất, kinh doanh quy định tại Điều 15 đang hoạt động trong khu dân cư tập trung phải cam kết có kế hoạch di dời. Trong thời gian di dời, các cơ sở đang hoạt động nêu trên phải nghiêm túc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, nghiêm cấm không được xả nước, chất thải chưa qua xử lý ra môi trường bên ngoài”.
Quy định của thành phố đã rõ ràng, việc di dời các cơ sở sản xuất nói trên ra khỏi khu dân cư là cần thiết. Thiết nghĩ, chính quyền phường Vĩnh Trung cần phải triệt để thực hiện, nhằm bảo đảm môi trường sống trong khu dân cư.
Bài và ảnh: Trọng Huy