.
Vấn đề bạn đọc quan tâm

Ai quản lý điểm đậu, đỗ xe?

.

Do số lượng xe trên địa bàn tăng nhanh, dịch vụ đậu đỗ xe tư nhân, cơ quan, công sở phát triển một cách rầm rộ. Thế nhưng, các điểm dịch vụ này còn mang tính tự phát, chưa có một cơ quan chức năng nào theo dõi dẫn đến nảy sinh nhiều bất cập trong công tác quản lý, quy hoạch giao thông đô thị.

 

Mô tả ảnh.
Điểm đậu đỗ xe dịch vụ tại Trung tâm Y tế quận Thanh Khê.

 

Theo phản ánh của một số bạn đọc, hiện trong khuôn viên Trung tâm Y tế quận Thanh Khê có điểm dịch vụ đậu đỗ ô-tô gây ảnh hưởng đến không gian bệnh viện. Chúng tôi được biết, hiện khuôn viên sân bãi bệnh viện này có 12 ô-tô đậu đỗ theo hợp đồng dịch vụ giữa người có xe với trung tâm; giá dịch vụ mỗi xe dao động từ 250.000-350.000 đồng/tháng tùy theo loại xe. Theo ông Trương Công Lượng, Phó phòng Tổ chức - Hành chính - Quản trị trung tâm, trước năm 2011, Công đoàn trung tâm đứng ra mở dịch vụ đậu đỗ xe. Từ năm 2011, trung tâm mới chính thức mở dịch vụ, có hợp đồng thỏa thuận và có… đóng thuế Nhà nước theo chủ trương của lãnh đạo đơn vị. Tuy nhiên, trong khuôn viên của một bệnh viện lại xuất hiện một bãi đậu đỗ xe là hoàn toàn bất hợp lý.

Khuôn viên Trung tâm Y tế quận Thanh Khê chỉ là một trong rất nhiều điểm dịch vụ đậu đỗ xe trên địa bàn thành phố. Giá cả dịch vụ có nơi dao động từ 300.000 - 700.000 đồng/xe/tháng tùy từng điểm và có hoặc không có mái che. Trong Đề án “Đầu tư xây dựng và quản lý điểm đỗ xe trên địa bàn quận Hải Châu và Thanh Khê” của Sở Giao thông-Vận tải có đề cập đến thực trạng về việc đậu đỗ xe hiện nay trên địa bàn. Gần như tất cả các điểm đỗ xe dịch vụ đều mang tính tự phát, không nằm trong sự quản lý của các cơ quan chức năng. Từ đó dẫn đến nhiều bất cập như không thống nhất giá cả dịch vụ, không bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường. Các cơ sở dịch vụ chỉ quan tâm đến việc thu tiền từ dịch vụ này, còn những bất cập nảy sinh lại đẩy trách nhiệm cho chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng quận và thành phố.

 

Mô tả ảnh.

 

Tính đến tháng 2-2011, toàn thành phố Đà Nẵng có 539.733 mô-tô, 32.773 ô-tô đăng ký. Bình quân trên 60% số dân có xe, tốc độ tăng bình quân từ 10 - 15%/năm. Với thực trạng này, bức tranh giao thông đô thị còn nhiều vấn đề đáng quan tâm mà nguyên nhân cũng chỉ do không có bãi đỗ ô-tô tạm thời hoặc cố định, đồng thời các quy định về đậu đỗ xe trên đường chưa thật chặt chẽ. Trên toàn thành phố hiện tại, các bãi đỗ xe vẫn chưa được quy hoạch, xây dựng một cách đồng bộ, việc quy hoạch bến bãi, nơi dừng đậu đỗ xe chưa bắt kịp với sự phát triển và nhu cầu sử dụng các loại  phương tiện giao thông của người dân.

Để từng bước quản lý việc đậu đỗ xe một cách văn minh, trật tự, thành phố đã cho phép thí điểm đậu đỗ xe trên một số tuyến đường như Trần Phú, Bạch Đằng, Nguyễn Văn Linh, Hàm Nghi, Lý Văn Tố, Lê Duẩn, Quang Trung, Đống Đa, Điện Biên Phủ và đường 2-9. Tuy nhiên, với tốc độ gia tăng nhanh số lượng xe cộ như hiện nay, việc nở rộ các dịch vụ đậu đỗ xe tự phát cũng không có gì khó hiểu. Vấn đề là trước thực trạng đó, các cơ quan chức năng lại chưa bắt kịp dẫn đến thả lỏng về mặt quản lý, không kiểm soát được tình hình. Việc sớm triển khai các quy hoạch cụ thể, mang tầm vĩ mô về các bến bãi đỗ xe không chỉ bảo đảm an toàn giao thông, trật tự, mỹ quan đô thị, vệ sinh môi trường mà tránh để thất thu một nguồn thu đáng kể từ phí dịch vụ đậu đỗ để tái đầu tư vào các bãi đỗ xe tập trung hợp lý.

Bài và ảnh: Trọng Huy

;
.
.
.
.
.