.
Qua đơn - thư bạn đọc

Biến vỉa hè thành “ga-ra” ô-tô

.
Hiện nay, tình trạng chiếm dụng vỉa hè diễn biến phức tạp, theo chiều hướng gia tăng. Ngoài các quán hàng kinh doanh, xe máy, xe đạp lấn chiếm vỉa hè, thì nay còn có tình trạng ô-tô cũng  lên vỉa hè đậu đỗ.

Mô tả ảnh.
Ô-tô đậu đỗ tràn lan dưới lòng đường, trên vỉa hè đoạn ngã ba đường Bế Văn Đàn - Điện Biên Phủ.
 
Dạo một vòng quanh các con đường nội thành, điều dễ nhận thấy có nhiều ô-tô, nhất là xe con, xe tải nhỏ không chỉ đậu đỗ dưới lòng đường mà còn leo lên vỉa hè để… “an tọa”. Dọc theo đường Lê Lợi, Phan Đình Phùng, Lý Tự Trọng, Trần Bình Trọng, Hoàng Diệu,… rất nhiều ô-tô lấn chiếm vỉa hè bất kể ngày đêm. Trong Quyết định mới số 13/2011/QĐ-UBND (có hiệu lực từ ngày 26-5-2011) thay thế cho Quyết định số 04/2008/QĐ-UBND (ngày 9-1-2008) của UBND thành phố Đà Nẵng quy định rõ việc sử dụng tạm thời vỉa hè ngoài mục đích giao thông đối với cá nhân hoạt động thương mại và sử dụng cho việc cưới, việc tang. Đối với vỉa hè có bề rộng dưới 4 mét, lối dành cho người đi bộ tối thiểu là 1,50 mét thay cho 1 mét quy định tại quyết định cũ. Thế nhưng trên thực tế, khi các ô-tô đậu đỗ trên lề đường thì gần như chiếm trọn cả đoạn vỉa hè dành cho người đi bộ. Nhiều người dân bức xúc trước việc ô-tô leo lên chiếm dụng vỉa hè, buộc người đi bộ phải xuống lòng đường để đi, rất nguy hiểm.
 
Một người dân ở phường Hòa Khê, đoạn có đường Bế Văn Đàn chạy qua bày tỏ: Đường Bế Văn Đàn là đường nhánh, chạy song song với đường Điện Biên Phủ, con đường này được xây dựng nhằm làm giảm mật độ giao thông đông đặc trên đường Điện Biên Phủ nên cũng có lượng xe cộ qua lại rất đông. Đường rộng 5,5m, vỉa hè hẹp chỉ đủ dành cho người đi bộ, vậy mà nhiều người đậu đỗ ô-tô choán hết cả vỉa hè khiến mọi người rất khó đi lại. Không chỉ thế, các xe đậu đỗ còn che khuất tầm nhìn đối với người điều khiển xe máy, nhất là các đoạn ngã ba giao nhau khiến cho việc lưu thông gặp khó khăn và tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn.

Toàn thành phố hiện chưa có một bãi đậu đỗ ô-tô, trong lúc nhu cầu mua sắm ô-tô của người dân tăng nhanh nhưng lại không có ga-ra để xe. Từ đó dẫn đến tình trạng “sắm bò mà không có chuồng”, xe cộ cứ thế dồn lên các vỉa hè, đậu đỗ dưới lòng lề đường tràn lan. Mặc dù ngành Giao thông-Vận tải biết thực tế này, nhưng vấn đề giải quyết ra sao còn là một bài toán khó.

Vi phạm thì xử phạt, đó là quy định của pháp luật. Nhưng có những vi phạm đã rõ ràng mà lực lượng chức năng, các đơn vị có đủ chế tài xử phạt (Thanh tra giao thông, Cảnh sát giao thông) lại… hờ hững; còn các đội Kiểm tra Quy tắc đô thị dù có chức năng dẹp, làm thông thoáng vỉa hè lại không đủ chức năng, quyền hạn xử lý (đối với ô-tô, mô-tô vi phạm lấn chiếm vỉa hè). Theo ông Trần Văn Thanh, Đội trưởng Đội Kiểm tra Quy tắc đô thị quận Hải Châu: Về chức năng, chúng tôi có nhiệm vụ làm thông thoáng hành lang, vỉa hè đường phố. Tuy nhiên, với các loại phương tiện như mô-tô, ô-tô khi vi phạm chiếm dụng vỉa hè, chúng tôi cũng đành “bó tay” trong việc xử lý. Lý do là không đủ chế tài, quyền hạn để kiểm tra giấy tờ đối với các xe vi phạm, xe vắng chủ. Có trường hợp gặp chủ xe, khi nhắc nhở, bị họ “vặn” lại…
 
Theo ông Thanh, để bảo đảm hành lang đường phố thông thoáng cũng như tạo thuận lợi cho các đội Kiểm tra Quy tắc đô thị dễ hoạt động, ngành Giao thông-Vận tải cần phải có các biển cấm các loại xe cụ thể trên từng tuyến đường. Việc sử dụng vỉa hè trong giới hạn cho phép phải có giấy phép đăng ký; giữa đội Quy tắc các quận cần phải có sự phối hợp đồng bộ trong công tác xử lý vi phạm. Có như thế mới tạo được hành lang đường phố an toàn, thông thoáng và bảo đảm an toàn cho người đi bộ.

Bài và ảnh: Trọng Huy
;
.
.
.
.
.