.
Qua đơn thư bạn đọc:

Đoạn đường gập ghềnh và ngập úng

.

Tại đoạn cuối đường Kỳ Đồng, đơn vị thi công không khớp nối với đường kiệt 695-Trần Cao Vân, khiến mặt đường gập ghềnh, gây khó khăn cho người đi đường. Bên cạnh đó, khu vực này luôn bị ngập sâu mỗi khi trời mưa lớn.

 

Mô tả ảnh.
Từ đường Kỳ Đồng muốn lên đường kiệt để ra đường Trần Cao Vân phải leo “bậc cấp”.


Theo quan sát của chúng tôi, đoạn cuối đường Kỳ Đồng thấp hơn mặt đường kiệt K695-Trần Cao Vân, mặt đường đầy sỏi và phải leo bậc để lên đường kiệt, gây khó khăn cho người đi đường, nhất là vào ban đêm và đã xảy ra một số vụ tai nạn giao thông. Còn theo phản ánh của người dân trong khu vực, mỗi khi trời mưa, do mặt đường Kỳ Đồng thấp hơn đường kiệt và không có hố thu nước mưa xuống cống nên luôn bị ngập nước, ứ đọng, nhiều lúc ngập sâu hơn 30cm, gây nhiều khó khăn trong đi lại của người dân, đặc biệt là các em học sinh vì gần đó có một số trường học. Mới đây, có đơn vị chức năng xuống sửa sang một số hố thu nước mưa ở đoạn cuối đường Kỳ Đồng, nhưng lại cách mép đường kiệt khá xa, không thể thoát được nước khu vực sát đường kiệt, cần phải bổ sung thêm một số cửa thu nước mưa.

 

Theo ông Mai Mã, Giám đốc Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng, cos đường và mương thoát nước dọc của đường Kỳ Đồng thấp hơn đường Trần Cao Vân và thấp hơn đường kiệt K695-Trần Cao Vân, nên khi trời mưa, nước đổ về đây. Muốn hết ngập úng thì phải nâng cao cos đường Kỳ Đồng lên, nhưng như vậy sẽ khiến nền nhà dân hai bên đường thấp hơn, khi trời mưa sẽ gây ngập úng nhà dân. Để chống ngập úng vào mùa mưa sắp đến, công ty đã đề xuất UBND thành phố cho tiến hành nạo vét ở đoạn cuối đường thường xuyên ngập úng đó, đồng thời bổ sung thêm một số cửa thu nước mưa, bảo đảm thoát nước… Qua đây, cũng đề nghị đơn vị chức năng sớm thảm nhựa, khớp nối mặt đường Kỳ Đồng tại đoạn giáp với đường kiệt K695-Trần Cao Vân, cho người dân đi lại được thuận tiện.

Hoàng Hiệp

;
.
.
.
.
.