.
Qua đơn thư bạn đọc

Đi ngủ cũng bịt khẩu trang

.

Từ cách xa hơn cây số đã thấy từng cột khói ngun ngút xả lên trời bao trùm thôn Vân Dương 2, phủ mờ từng nóc nhà. Bao vây cái thôn nhỏ ấy là 4 nhà máy thép và một nhà máy giấy ngày đêm hoạt động ầm ĩ. Cuộc sống của người dân trong thôn trở nên ngột ngạt, luôn trong tình trạng đối mặt với ô nhiễm, nguy cơ bệnh tật tăng cao.

 

Mô tả ảnh.
Nhà máy nằm sát nhà dân (ảnh lớn). Khói bụi xả mù mịt từ các nhà máy cán luyện thép  (ảnh nhỏ).

 

Thôn Vân Dương 2 (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) hình thành từ hàng trăm năm nay, người dân sống bình yên bên đám ruộng, khu vườn. Nhưng hơn 3 năm trở lại đây, cuộc sống ấy bị đảo lộn khi hàng loạt nhà máy thép, nhà máy giấy (Nhà máy thép thuộc Công ty CP Thép Thái Bình Dương, Dana - Ý, Tuyết Xuân, Tuấn Nga và Nhà máy Giấy Rạng Đông) nằm trong Cụm công nghiệp Thanh Vinh đi vào hoạt động. “Bất kể ngày đêm, các nhà máy thi nhau xả khói, hoạt động gây tiếng ồn vượt quá mức chịu đựng.

Trẻ nhỏ, người lớn mắc bệnh hô hấp, bệnh về da, ù tai; nguồn nước giếng bị ô nhiễm; gỉ sắt bám cặn thành cục trên mái tôn nhà; nước thải từ các nhà máy nhỉ ra gây ô nhiễm nước mặt”, bà Phạm Thị Lang, tổ 2, thôn Vân Dương 2 cho biết. Toàn thôn hiện có 273 hộ với 1.238 nhân khẩu, nghề nghiệp chủ yếu làm nông và “thợ đụng”. Nhiều người dân bức xúc cho biết, ngày đi làm thì thôi, tối về nhà là phải đóng kín mít cửa để tránh khói bụi. “Kể ra tưởng nói ngoa, việc nằm ngủ mà bịt khẩu trang là “chuyện lạ có thật” có lẽ cũng chỉ vùng này mới có”, ông Lê Nhâm, người trong thôn cho hay.

Trong số các nhà máy thép hoạt động sản xuất gây ô nhiễm ở cụm công nghiệp Thanh Vinh phải kể đến Nhà máy luyện thép thuộc Công ty Cổ phần Thép Thái Bình Dương. Qua tìm hiểu, nhà máy này hoạt động từ tháng 8-2009, công suất 300.000 tấn/năm. Theo quy định của Quy chuẩn Xây dựng Việt Nam đối với loại hình cán luyện thép của Công ty CP Thép Thái Bình Dương thì khoảng cách ly tối thiểu với khu dân cư được quy định từ 300-500m (mức độ độc hại cấp 2), trên thực tế, khoảng cách này chỉ bằng 1/1.000 so với quy định. Ông Nguyễn An, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thép Thái Bình Dương cho biết, công ty hiểu và thông cảm với người dân, mặc dù công ty cũng đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý khí thải, khói bụi, giảm tác động xấu đến môi trường, nhưng do khoảng cách quá gần khu dân cư nên người dân bức xúc là điều dễ hiểu.

Tại Công văn số 7060, ngày 28-10-2009, UBND thành phố Đà Nẵng gửi các Sở Xây dựng, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Hòa Vang cùng các ban, ngành liên quan đã nêu rõ: Do ảnh hưởng khói bụi, tiếng ồn và chất thải hoạt động sản xuất của nhà máy thép thuộc Công ty Cổ phần Thép Thái Bình Dương tại cụm Công nghiệp Thanh Vinh, xã Hòa Liên, đồng ý về chủ trương cho phép giải tỏa, di dời một số hộ dân gần khu vực Công ty Cổ phần Thép Thái Bình Dương ra khỏi vùng ô nhiễm của nhà máy.

Chủ trương của thành phố đã rõ, tuy nhiên về phía các cơ quan chức năng liên quan lại trì trệ, chậm triển khai, dẫn đến nhiều người dân tỏ thái độ quá khích làm cản trở hoạt động của nhà máy.

Bài và ảnh: Minh Sơn

;
.
.
.
.
.