.
Qua đơn thư bạn đọc

Hết mưa cũng bị ngập

.

Hàng chục hộ dân tổ 14, phường Hòa Minh (Liên Chiểu) từ nhiều năm nay luôn sống trong cảnh hễ mưa là bị ngập sâu cả mét nước. Nước tràn vào nhà, ngập lên nửa mét. Nước rút, bùn, rác thải tràn đầy nhà. 3 năm trở lại đây, tình cảnh càng trở nên trầm trọng, hết mưa nước vẫn “làm ổ” trong nhà, kể cả mùa mưa lẫn mùa khô. Nhiều hộ dân đã phải dời đi nơi khác, những hộ ở lại thì tìm cách “sống chung với nước”.

 

Mô tả ảnh.
Săm ô-tô được tận dụng làm phao để đưa đón con đi học.

 

Căn nhà chị Thanh Tâm mùa này không có lối vào, bao quanh là nước ngập. Cái bếp ga nấu nướng cũng được đưa lên gác xép; nền nhà lấp xấp nước; đồ dùng, quần áo ngày mưa giăng mắc khắp căn phòng. Chị Tâm kể: “Tôi về đây được 10 năm rồi, sau vài năm thì nghe thông báo di dời, giải tỏa khu vực này. Năm 2009, Bệnh viện Ung thư khởi công xây dựng, rồi Dự án trục Tây Bắc cũng khởi động. Vốn là vùng thấp trũng, sau các dự án triển khai, đất đá đổ lấp làm bít hết lối thoát nước, tình trạng ngập úng trở nên triền miên”.

Còn theo ông Võ Chạy: “Nước ngập lâu ngày thành sình, mùi hôi thối, ô nhiễm, bệnh ghẻ lở. Nhà tôi có 6 người, quây quần trong cái “ốc đảo” này, gian dưới thì ngập phân nửa, còn một phòng khách cao hơn và cái gác xép chia đều cho cả nhà ăn, ngủ, sinh hoạt. Mỗi ngày 3 chuyến gánh nước từ xóm trên về để nấu ăn, còn tắm, giặt thì phải hứng nước mưa và dùng nước giếng ô nhiễm”. Chị Tâm mới cư trú 10 năm, còn ông Chạy sống từ nhỏ ở đây. Họ cùng với khoảng 40 hộ dân nữa cùng chung cảnh ngập úng từ nhiều năm nay. Nhà cửa đã kiểm định từ năm trước, bây giờ đang thấp thỏm chờ áp giá và các thủ tục liên quan để di dời. Nhưng đến bao giờ?

Tổ dân phố 14 nằm trên địa bàn có 2 dự án trọng điểm của thành phố, gồm Bệnh viện Ung thư và Khu TĐC Tây Bắc 7 thuộc Trục 1 đường Tây Bắc (nối từ Ngã ba Huế đến Khu công nghiệp). Ông Phạm Thống, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Minh, cho biết mỗi khi có mưa ngập, phường cũng huy động các lực lượng từ quy tắc đô thị, dân phòng và đoàn thể khác đến giúp dân dọn dẹp, đào múc khơi thông cống rãnh. “Nhưng kẹt nỗi, cao trình các dự án cao hơn nền nhà dân đến 2,5m, cống thoát nước từ tổ 14 trên đường Phùng Hưng cũng cao hơn nền nhà dân, vì thế, nếu có đào bới cống rãnh thì cũng không thể tiêu nước được. Dân kêu phường, chứ kêu thành phố thì cũng chịu thôi”, ông Thống nói.

Vì sao Dự án Bệnh viện Ung thư đã sắp hoàn thành, Dự án Trục Tây Bắc cũng đã triển khai, nhưng người dân thuộc khu vực di dời thì vẫn còn “dẫm chân tại chỗ”, để rồi phải sống trong cảnh ngập nước? Ông Thống giải thích, theo quy trình dự án, sau khi kiểm kê, tiến hành kiểm định, áp giá đền bù, họp dân thông báo và lấy ý kiến người dân, trình lên thành phố phê duyệt, nhưng quá trình này qua mỗi bước còn mất thời gian (không cụ thể). Đó là chưa kể, phía Ban giải tỏa đền bù của dự án và người dân chưa tìm được tiếng nói chung trong việc áp giá và bố trí tái định cư. Các cuộc tiếp dân để di dời giải tỏa ở tổ 14 của UBND phường, đợt 1 mới 11 người (đã áp giá), nhưng đã có người không ký biên bản bởi không thống nhất.

 

Sáng 4-10, lãnh đạo quận Liên Chiểu và phường Hòa Minh đã mời 13 hộ dân trong số 40 hộ bị ngập nặng lên UBND quận để gặp mặt, nghe tâm tư nguyện vọng của người dân và tìm hướng giải quyết. Lãnh đạo quận đưa ra phương án là mượn chung cư gần UBND quận để di dời các hộ lên đó. Thế nhưng người dân muốn được tự thuê nhà và thành phố sẽ hỗ trợ để họ có thể trả tiền nhà. UBND phường Hòa Minh yêu cầu người dân lập danh sách những hộ nào muốn thuê nhà để gửi lên UBND thành phố và đề xuất với thành phố là cho người dân ứng trước tiền đền bù giải tỏa để họ có thể thuê nhà sinh sống. Lãnh đạo quận Liên Chiểu cũng sẽ đề xuất với UBND thành phố kiểm định nhanh, sớm di dời người dân đến nơi ở mới.

 

Bài và ảnh: Trọng Huy

;
.
.
.
.
.