.
Qua đơn thư bạn đọc

Xóm “nước đen”

.

Nhiều người gọi cụm dân cư khoảng gần 50 hộ ấy là xóm “nước đen” hay xóm “nghĩa địa”. Cái xóm này là khu nghĩa địa giáp ranh giữa phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu và phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê.

 

Mô tả ảnh.
Những ngôi nhà tạm xen lẫn mồ mả trong xóm “nước đen”.

 

Từ cổng chào dẫn vào tổ 20, phường Thanh Khê Tây (Thanh Khê), sẽ dẫn đến các tổ 21, 22, đi sâu hơn nữa, sẽ vào đến khu nghĩa địa ngổn ngang mồ mả xen lẫn người sống ngụ cư trên đó với những căn nhà xiêu vẹo, lụp xụp. Trên con đường vào xóm, chúng tôi bắt gặp hình ảnh từng nhóm người - thanh niên có, đàn bà trung niên có, trên tay xăm hình rồng phượng, các  câu “châm ngôn”… tụm ba tụm bảy bên cái bàn nhựa đặt cạnh ngôi mộ nào đó đánh bài. Miệng phì phèo thuốc lá, thỉnh thoảng bật lên câu chửi thề “đ…m…”, mắt liếc ngang nhìn người lạ “lạc” vào xóm như thăm dò....

Dù đã được cảnh báo trước từ ông Bí thư chi bộ số 10 cùng ông Tổ trưởng tổ dân phố 22, nhưng có đi vào đây mới cảm nhận hết lời nhắc nhở ấy thật sự có trọng lượng. Lấy cớ tìm địa chỉ cần giúp đỡ, chúng tôi tìm đến nhà chị Nguyễn Thị Thu H., người vợ trẻ có con thơ 6 tháng tuổi, làm nghề nhặt ve chai, chồng chị mất vừa đầy năm vì căn bệnh ung thư. Người đàn bà trẻ đang bận bịu với mớ hàng, sản phẩm vừa nhặt được và mua lại của người khác, chuẩn bị mang xuống phố để nhập. Chị đon đả mời khách ngồi, rồi thận trọng gọi thêm người hàng xóm qua “ngồi cùng nói chuyện cho vui”. Căn nhà nhỏ khoảng hơn chục mét vuông nghi ngút khói hương trên bàn thờ người chồng còn rất trẻ. Bên ngoài là đám “chị em” vừa đánh bài, vừa ngó vào nhà láng giềng tiếp khách lạ. Thấy chị bận và có thêm người “ngồi tiếp”, chúng tôi không tiện hỏi nhiều, ngồi nói dăm ba câu rồi vội chào ra về.

“Cái xóm ấy hình thành từ hơn chục năm nay, từ ngày đó đến giờ, người dân quanh đây vẫn quen gọi là xóm “nước đen”, hay xóm “nghĩa địa”. Cũng bởi người dân ở đó đều từ các địa phương khác đến sinh sống trên khu đất nghĩa địa. Gần như nhà nào cũng có người vướng vào tội lỗi, không trộm cắp thì buôn bán, sử dụng ma túy, không buôn lậu thì cướp giật, không đàn anh đàn chị giang hồ thì cũng là thành phần bất hảo”, ông Trần Văn Huynh, Tổ trưởng tổ 22 cho biết. Ông Huynh có thâm niên hơn 10 năm làm tổ trưởng ở đây, người theo dõi sát sao quá trình hình thành những biến động của cái xóm ấy. “Chúng tôi đấu tranh quyết liệt để giảm tình trạng mất an ninh trật tự, xây dựng nhà trái phép trong khu vực ấy. Có lần quá căng thẳng, nhà tôi đã “đón” năm vị khách hung hăng đến đòi quậy phá. Nhưng họ chẳng thể làm được gì. Mình phải kiên quyết và không lùi bước trước cái xấu, cái sai trái”, ông Huynh chia sẻ.

Cả 3 tổ 20, 21, 22 với khoảng gần 200 hộ dân, trên 600 nhân khẩu nhưng chủ yếu là sống nhờ. 80% trong số các hộ dân ở đây không có giấy tờ đất đai hợp pháp. Cuộc sống chủ yếu làm nghề lao động tay chân, nhặt rác, ve chai, “thợ đụng” bởi trình độ dân trí thấp, lại là người tứ xứ “có tăm tiếng” phiêu dạt về đây. Thực trạng cuộc sống ấy đã nói lên tất cả sự phức tạp của cụm dân cư này. Nhà ông Phan Minh Th., từng là đàn anh ở bến xe cũ, vào tù ra tội, giờ có thêm 2 con gái, con rể đều vướng vòng lao lý vì tội buôn bán ma túy, trộm cắp tài sản; nhà ông Lê Văn H. có con gái là Nguyễn Thị H. Y. có tiền án, tiền sự, anh chồng là một đạo tặc có “tay nghề” cũng vướng vòng lao lý… Những đứa trẻ sinh ra may mắn có bà ngoại… trong sạch để nhờ cậy vì mẹ… đi tù. Nhiều lần nửa đêm ông Huynh phải trở dậy để đi giải quyết vụ việc vì nạn bạo lực gia đình diễn ra ở đây như cơm bữa.

Ông Ngô Văn Thanh, Chủ tịch UBND phường Thanh Khê Tây cho biết: Cụm dân cư này tồn tại suốt 10 năm nay. đây là một thực trạng nhức nhối rất khó giải quyết một cách triệt để. “Chỉ có quy hoạch lại bằng một dự án nào đó mới mong “xóa sổ” cái xóm này được.

Rời xóm “nước đen”, chúng tôi lòng nặng trĩu suy tư. Biết bao giờ cái xóm ấy hết “đen”.

Bài và ảnh: Trọng Huy

;
.
.
.
.
.