.

Thi công mương thoát nước gây bức xúc

.

Một số hộ dân ở tổ 10, phường Mỹ An vừa phản ánh qua đường dây nóng Báo Đà Nẵng việc một đơn vị đang tiến hành đào, phá nền đường kiệt hẹp đi giữa 2 tổ 10 và 11 vừa được bê-tông hóa hơn 1 năm để thi công mương thoát nước và tập kết nguyên vật liệu bừa bãi, thi công dàn trải làm cản trở lối đi lại của người dân,… gây bức xúc trong nhân dân.

Mô tả ảnh.
Xẻ đường bê-tông thi công mương thoát nước để giải quyết bức xúc về ngập úng.

 

Theo phản ánh của người dân, đường kiệt này nối một con đường rộng 10,5m, trước đây là kiệt 47 - Ngũ Hành Sơn và đường Châu Thị Vĩnh Tế. Cách đây hơn 1 năm, UBND quận Ngũ Hành Sơn đã đầu tư 250 triệu đồng để bê-tông hóa đường kiệt này. Trước khi tiến hành thi công, phường có tổ chức họp thông báo và lấy ý kiến của dân. Người dân đồng tình chủ trương và đề nghị nên làm cống thoát nước trước khi đổ bê-tông nền đường. Tuy nhiên, phường và quận vẫn chỉ bê-tông hóa mặt đường.

Từ giữa tháng 10-2011 đến nay, người dân lại thấy một nhóm người đến đào, phá một nửa nền đường bê-tông, nói là để làm mương thoát nước. Người dân xót xa con đường vừa được đầu tư 250 triệu đồng để bê-tông hóa, sử dụng chưa tròn năm đã bị xới lên làm mương thoát nước. Bên cạnh đó, công trình không có ai chỉ huy, giám sát thi công, rất lo ngại chất lượng của công trình; nguyên vật liệu thì đổ bừa bãi, thi công dàn trải làm cản trở giao thông, đi lại của các hộ dân ở hai bên đường. Dân trực tiếp góp ý với công nhân đang thi công thì không có tác dụng…

Vấn đề này, qua làm việc với các cơ quan chức năng, chúng tôi được biết, vào năm 2009, trước bức xúc của người dân về ngập úng và khó khăn trong đi lại, UBND quận Ngũ Hành Sơn đã phê duyệt công trình mương thoát nước và bê-tông hóa mặt đường tại tổ 10 và 11, phường Mỹ An. Do nguồn kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản còn hạn chế nên đã ưu tiên đầu tư đoạn mương ở cuối tuyến (tiếp giáp với tổ 6), nơi hay bị ngập úng cục bộ. Còn đoạn đầu tuyến do có cao trình cao hơn nên nước mưa có thể chảy về mương thoát nước ở cuối tuyến.

Qua khảo sát, đơn vị tư vấn thiết kế cũng cho rằng không cần làm mương đoạn đầu tuyến. Mặt khác, lúc bấy giờ vẫn chưa giải tỏa để thi công con đường rộng 7,5m của Khu dân cư Mỹ An - nay là đường Châu Thị Vĩnh Tế. Như vậy, có thể hiểu được việc đầu tư kinh phí của UBND quận Ngũ Hành Sơn để làm mương thoát nước và bê-tông hóa mặt đường tại khu vực tổ 10, 11 phường Mỹ An là nhằm giải quyết trước mắt những bức xúc về ngập úng và khó khăn trong đi lại của người dân.

Đầu tháng 5-2011, tại cuộc họp chuyên đề về xử lý ngập úng trên địa bàn thành phố, Chủ tịch UBND thành phố đã đồng ý đề xuất của Viện Quy hoạch xây dựng về chuẩn bị đầu tư và triển khai xây dựng hệ thống thoát nước khu vực tổ 10 và 11, phường Mỹ An để đấu nối vào mương thoát nước dọc đường 7,5m đang thi công (nay là đường Châu Thị Vĩnh Tế) của Khu dân cư Mỹ An. Ngày 16-9-2011, UBND thành phố ban hành Quyết định số 8109 phê duyệt kết quả giao thầu và cho phép thực hiện hạng mục hệ thống thoát nước tổ dân phố 10 và 11 thuộc công trình hạ tầng kỹ thuật Khu dân cư Mỹ An. Theo đó, hạng mục công trình do Sở Xây dựng làm chủ đầu tư, Ban quản lý Dự án công trình đường Bạch Đằng Đông điều hành dự án, Công ty CP Xây dựng Liên Vinh thi công trong 45 ngày với giá giao thầu là 948,8 triệu đồng…

Ngày 22-11, trao đổi với Báo Đà Nẵng, bà Ngô Thị Nga, Phó Chủ tịch UBND phường Mỹ An cho hay: “Quá trình thi công hạng mục công trình của Công ty CP Xây dựng Liên Vinh vừa qua có tập kết nguyên vật liệu bừa bãi, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. Thực tế, đường kiệt cũng nhỏ, phương tiện đi lại nhiều dẫn đến ách tắc giao thông. Việc này, UBND phường đã làm việc với Ban quản lý Dự án công trình đường Bạch Đằng Đông và Công ty CP Xây dựng Liên Vinh (3 ngày sau khi tiếp nhận thông tin do Báo Đà Nẵng chuyển đến - NV), đại diện nhà thầu cam kết sẽ khắc phục những hạn chế theo phản ánh của nhân dân, đồng thời sẽ tổ chức thi công theo hình thức cuốn chiếu có giám sát cộng đồng, bảo đảm chất lượng công trình và an toàn, thuận tiện đi lại cho người dân”.

Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP

;
.
.
.
.
.