.

Lên bờ... trắng tay

.

Những người làm nghề khai thác cát sạn trên các sông ở huyện Hòa Vang đang đứng trước nguy cơ trắng tay, nợ nần chồng chất, vô công rỗi nghề.

Máy móc xẻ ra, “đắp chiếu” chờ bán phế liệu.
Máy móc xẻ ra, “đắp chiếu” chờ bán phế liệu.

Việc khai thác cát sạn trên sông dẫn đến những hệ lụy khôn lường: nước sông đổi màu, dòng chảy đổi hướng, nhà cửa ven sông bị sụt đổ. Nguy cơ sông “ngoạm” nhà, “ăn” bờ đất hiện hữu trong mỗi mùa mưa lũ. Trước thực trạng đó, ngày 5-11-2010, UBND thành phố đã ban hành văn bản cấm khai thác cát sạn trên sông Yên và sông Túy Loan, thuộc địa bàn huyện Hòa Vang.

Treo niêu

Chúng tôi dừng lại ở quán nhậu Minh Châu bên đường xuống thôn Phú Hòa 2 (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang), gặp các ông Nguyễn Đình Thanh, Dương Mộng Hồng, Võ Minh đang chén tạc chén thù khi kim đồng hồ chưa qua 10 giờ. Họ từng là chủ phương tiện, làm việc trên các ghe, thuyền khai thác cát sạn ở sông Túy Loan. Sau khi chủ trương cấm khai thác của thành phố ban hành, họ “lên bờ” và thất nghiệp. “Chúng tôi làm nghề khai thác cát từ cha truyền con nối, ngoài nghề đó chẳng có nghề gì nữa. Không ruộng vườn, không vốn liếng, không nghề phụ giắt lưng. Bao nhiêu tiền của vay mượn, tích cóp đều đổ dồn sắm, sửa phương tiện làm nghề. Nay dù quyết định của thành phố hợp lý nhưng chúng tôi không chỉ mất nghề, mà nợ nần ngày càng chồng chất”, ông Minh, hiện là chủ quán nhậu Minh Châu, từng là chủ 3 thuyền khai thác cát cho biết.

Để sắm được 3 chiếc ghe hành nghề khai thác cát, ông Minh phải đầu tư hơn 1 tỷ đồng. Ông từng thế chấp sổ đỏ nhà đất của cha mẹ và nhà mình để vay vốn sắm phương tiện. Sau khi UBND thành phố cấm khai thác cát sạn trên sông Yên và sông Túy Loan, số phương tiện của ông Minh (cũng như những chủ phương tiện khác) đành “đắp chiếu” chờ xẻ bán phế liệu. “Thân ghe làm bằng nhôm, giờ lấy ra làm phên che quán để buôn bán. Máy còn nằm chờ gỉ rét, mấy thứ lặt vặt bán được vài ba triệu bạc”, ông Minh nói.

Riêng ông Phạm Mao, người cùng thôn, cũng từng là chủ của 2 phương tiện dùng để khai thác cát sạn trên sông Túy Loan, nay đi làm gạch khi ở tuổi 58 để nuôi vợ bị bệnh và 2 con đang tuổi ăn học. Bà Mười - vợ ông Mao cho hay, tàu thuyền xẻ ra, bán chẳng được bao nhiêu, nợ nần chồng chất, nhưng không có sự hỗ trợ từ chính quyền cũng như cơ quan chức năng. Trong khi đó, cả nhà ông Nguyễn Đình Thanh gồm 5 người chỉ trông chờ vào vợ ông (45 tuổi) làm phụ hồ để nuôi gia đình.

Lên bờ lao đao

Toàn huyện Hòa Vang có 59 chủ phương tiện hành nghề hút cát, riêng xã Hòa Nhơn có 70 hộ, với 294 người làm nghề hút cát, trong đó có 25 chủ phương tiện. Hòa Nhơn có số phương tiện, số hộ, số lao động hoạt động khai thác cát nhiều nhất huyện Hòa Vang. Ông Nguyễn Tấn Phát, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn cho biết, người dân thực hiện nghiêm túc chủ trương cấm của thành phố, nhưng khi bỏ nghề, cuộc sống của họ rất khó khăn. Họ không có việc làm, không có vốn liếng để chuyển đổi ngành nghề. Xã cũng đã nhiều lần kiến nghị cấp trên mong hỗ trợ cho người dân sớm ổn định cuộc sống, nhưng đến nay vẫn chưa có phản hồi.

Trong Tờ trình số 391/TT-UBND ngày 11-8-2011, UBND huyện Hòa Vang đã đề xuất UBND thành phố hỗ trợ các chủ phương tiện ngừng hoạt động khai thác cát, sạn trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, Công văn số 3515/VP-QLĐTh ngày 25-10-2011 của UBND thành phố không đồng ý đề nghị trên.

Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Hòa Vang đã giải quyết tạm thời khó khăn cho người dân “lên bờ” bằng việc hỗ trợ tiền ăn Tết. Phòng Công thương huyện loay hoay tìm hướng “xin” thành phố hỗ trợ cho các chủ phương tiện để chuyển đổi ngành nghề. Phòng LĐ-TB&XH huyện lại ráo riết lập danh sách về nhu cầu cần học nghề, giải quyết việc làm đối với các lao động đang “thất nghiệp” sau khi dừng khai thác cát. Tuy nhiên, một lãnh đạo Phòng LĐ-TB&XH cho rằng, thay vì phối hợp để tìm ra giải pháp tốt nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sớm có ngành nghề, đi vào ổn định cuộc sống thì các phòng lại chưa thống nhất, thiếu sự liên kết chặt chẽ.

Trong số hàng trăm lao động mất việc sau quyết định của UBND thành phố, hầu hết là lao động trẻ nên nhu cầu học nghề, tìm việc mới rất lớn. Qua khảo sát của Phòng LĐ-TB&XH huyện, trong 111 hộ/7 xã được khảo sát, có 103 người có nhu cầu học nghề (nhiều nhất là lái xe 30 người, trồng nấm 24 người), nhu cầu giải quyết việc làm 23 người và nhu cầu khác là 53 người (chủ yếu vay vốn). Tuy nhiên, đó mới chỉ là khảo sát, kết quả thực hiện đến nay gần như bằng không. Riêng nghề lái xe không nằm trong danh mục hỗ trợ học nghề, các ngành nghề khác lại không đủ số lượng người để mở lớp.

Bài bà ảnh: TRỌNG HUY

;
.
.
.
.
.