.

Miếu Bà ở làng Nam Ô xuống cấp

.

Qua thời gian và cùng với sự thờ ơ của con người, miếu Bà hàng trăm năm tuổi ở làng Nam Ô (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) đang xuống cấp nghiêm trọng.

Ngôi miếu đang xuống cấp.
Ngôi miếu đang xuống cấp.

Qua trao đổi với ông Đặng Dùng, người được dân làng Nam Ô ví như “kho sử sống” của làng, chúng tôi có dịp hiểu rõ hơn về ngôi miếu Bà còn chứa nhiều bí ẩn. Theo dân gian, ngôi miếu này có hàng trăm năm trước, thờ vọng Huyền Trân Công Chúa, người được vua Trần Nhân Tông gả cho vua Chiêm là Chế Mân để đổi lại hai châu Ô, Lý về Đại Việt.

Theo ông Dùng, việc truyền tụng ngôi miếu này thờ vọng bà Huyền Trân Công Chúa xuất phát từ nhiều yếu tố. Bên cạnh miếu quay mặt về hướng Bắc (vọng quốc), có di tích mộ tiền hiền chư phái tộc làng Nam Ô được cho là mộ của một vị võ tướng đánh chặn, ngăn không cho quân Chiêm áp sát để Huyền Trần Công Chúa cùng đoàn tháp tùng thoát ra biển về Đại Việt. Sau này, dân làng nơi đây ghi nhận tấm lòng anh dũng của vị võ tướng, đồng lòng suy tôn thành “Tiền hiền triệu cơ” của làng. Chưa có một sử liệu nào, kể cả những lưu truyền trong dân gian xác định được danh tính, quê quán về vị võ tướng này. Tại ngôi miếu có thờ 6 thần vị, đến nay chưa ai xác định rõ ràng các thần vị này có nội dung thể hiện danh tính của người (hay danh tước) được tôn thờ nên chưa thể khẳng định ngôi miếu chỉ thờ vọng Huyền Trân Công Chúa.

Về câu chuyện xoay quanh cuộc chạy thoát khỏi giàn thiêu nước Chiêm của Huyền Trân Công Chúa và ngôi mộ cổ tiền hiền làng Nam Ô đến nay đã gần thiên niên kỷ, dẫu ngôi miếu có thể chưa hẳn thờ Huyền Trân Công Chúa như tương truyền trong dân gian, nhưng giá trị lịch sử, kiến trúc của ngôi miếu là xác thực. Chưa kể trong ngôi miếu được lót bằng đá Chăm, ngói, gạch Chăm nên giá trị kiến trúc cũng như quá trình, thời gian xây dựng cần được quan tâm nghiên cứu. Cuối tháng 3-2012, đoàn cán bộ nghiên cứu của Viện Khảo cổ học Việt Nam cùng Trung tâm Quản lý di sản văn hóa Đà Nẵng đã tổ chức báo cáo tổng kết việc điều tra, khảo sát di sản khảo cổ học tại địa bàn thành phố Đà Nẵng, trong đó đề cập đến việc giữ gìn ngôi miếu thờ bà Bô Bô (cũng là ngôi miếu tương truyền thờ vọng Huyền Trân Công chúa) nằm trong quần thể di tích như Giếng cổ, Lăng thờ cá Ông, chùa làng Ba Sơn, miếu thờ Bà Liễu Hạnh. Hiện tại, theo ông Phạm Trưng, cán bộ văn hóa phường Hòa Hiệp Nam, tình trạng xuống cấp ngôi miếu Bà đã thấy rõ. Tuy nhiên, với vấn đề trùng tu, tôn tạo thì địa phương không đủ thẩm quyền, cũng không có nguồn vốn. Nguyện vọng của dân làng là muốn lưu giữ, trùng tu vì yếu tố tâm linh, cũng là cách mà họ luôn hướng và nhớ về nguồn cội.

Bài và ảnh: TRỌNG HUY

;
.
.
.
.
.