.

Những nóc nhà trên thượng nguồn Cu Đê

.

Trở lại Hòa Bắc một ngày đầu tháng tư, ven sông Cu Đê mùa nước cạn, người dân đang nô nức thu hoạch mía, những ruộng lúa đang ngả màu óng ánh, hứa hẹn mùa vàng bội thu. Thấp thoáng sau cánh đồng mía, những căn nhà (lều, lán, trại) nằm lọt thỏm giữa mênh mang ruộng đồng.

Những ngôi nhà bỏ hoang ở khu tái định cư mới.
Những ngôi nhà bỏ hoang ở khu tái định cư mới.

Sức sống của Hòa Bắc (huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng) qua khung cảnh trên thật yên bình, nên thơ. Nhưng đi tiếp đến khu tái định cư (TĐC) Nam Mỹ, khung cảnh đìu hiu qua từng ngôi nhà bỏ hoang gây cảm giác khác lạ…

Tại khu TĐC số 1 và 2 thôn Nam Mỹ, đường láng nhựa êm phẳng nhưng vắng bóng người đi. Những căn nhà được xây dựng, cái kiên cố, cái không. Có một điểm chung của hơn chục ngôi nhà tại đây là cửa đóng im lìm, cỏ mọc lấp lối đi, xen lấn cả lối vào cửa. Có nhà thì tôn bay, cửa toang hoác gần như chưa có hơi người từng sống. Hỏi ra mới hay, những ngôi nhà được dựng lên nhưng có gia đình ở được vài tháng vào mùa mưa lũ. Sau đó, họ lại lục tục kéo nhau trở lại bến sông để làm ruộng, sinh sống. Hàng chục năm nay như thế, bây giờ vẫn vậy.

Khu TĐC Nam Mỹ được đầu tư xây dựng nằm trong chương trình phòng chống thiên tai, bão lũ của thành phố, triển khai qua hai đợt năm 2007 và 2009, tổng số vốn đầu tư 5 tỷ đồng trên diện tích khoảng 9ha đất. Toàn thôn có 130 hộ, chủ yếu làm nghề rừng (làm thuê), vài chục hộ có đất ven sông sản xuất nông nghiệp. Nhìn những căn nhà bỏ hoang, khung sắt, xà gồ trơ gan cùng nắng mưa mà xót xa. “Sau khi Nhà nước cấp đất, hỗ trợ tiền xây dựng nhà, những gia đình có ruộng vườn dưới sông mấy khi họ về lại ở nhà này đâu. Vào mùa mưa lũ, họ mới lên để tránh ngập, nhưng khi nước rút lại xuống sông. Có nhà bão lốc bay tôn, sập mái, họ cũng không buồn sửa lại, mà xin ở nhờ nhà hàng xóm cho qua mùa mưa”, ông Phúc - người dân thôn Nam Mỹ cho hay.

Lách qua con đường đất dẫn xuống bãi bên sông, chúng tôi tìm đến “căn nhà” của ông Lê Ngôn (78 tuổi), có thâm niên ở đây gần 40 năm. “Tôi vẫn gọi nơi ở này là cái trại, chứ chẳng thể là nhà được dù đã sống qua 37 năm với nó. Nhà ở Nam Ô, tôi lên đây lập nghiệp từ năm 1976. Sau khi Nhà nước có chính sách di dời dân lên khu TĐC, tôi có thêm nhà ở khu TĐC Nam Mỹ. Nhưng gần suốt cuộc đời, tôi sống và làm ăn tại cái trại này, kể cả bây giờ có “nhà mới” ở khu TĐC”, ông Ngôn chia sẻ.

Căn nhà gỗ của ông Ngôn thấp, nền đất với vài thứ đồ dùng thiết yếu nhất cho cuộc sống. Không có điện, mấy cái đèn dầu tưởng chỉ còn trong ký ức với người dân thành phố lại hằng đêm thắp sáng cho căn nhà này suốt mấy chục năm qua. Nơi đây có 5 hộ đều sống như thế, nhà gỗ, vách đất, rau quả quanh năm. Không thể hình dung được khi mùa mưa tới, những căn nhà này biến mất trong dòng nước lũ. Những cơn lũ cuốn đi nhiều thứ không kịp chuyển lên bờ khi mưa về nhưng để lại cánh đồng phù sa màu mỡ. Âu đó cũng là sự vay trả của đất trời. “Biết là chính sách của Nhà nước tốt cho dân, nhưng chúng tôi chỉ lên khu TĐC khi lũ về, chứ ở suốt đó làm sao được. Quen với ruộng vườn, với sông suối, sống với nó bao đời nay, nó nuôi mình, mình nuôi nó. Lên khu ở mới, nghề rừng không làm được, đất vườn thì không có, chưa kể tuổi già như tôi làm sao vác gỗ, bóc keo (cây keo lá tràm) như thanh niên. Rồi lấy gì mà sống!”, ông Võ Ngọc Hoàng, 85 tuổi cho biết. Ông Hoàng cũng là người Nam Ô, lên đây từ năm 1975, hiện ông sở hữu gần 1,5 mẫu ruộng ở đây. Theo ông Ngôn và ông Hoàng, không giàu nhưng quanh năm cũng tự lo được cuộc sống, không phải bu bám con cháu khi về già. Dù có chính sách mới, được sự hỗ trợ tối ưu của chính quyền, nhưng họ vẫn chưa thể lên bờ khi tuổi xế chiều.

Ông Hồ Tăng Phúc, Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc cho biết: “Cả thôn Nam Mỹ trong hai đợt di dời có 62 hộ nằm trong dự án. Tiền hỗ trợ di dời là 10 triệu, tiền xây dựng nhà 10 triệu, hỗ trợ 1 triệu tiền sản xuất, cấp 300m2 đất ở. Mặc dù xây dựng nhà cửa, nhưng người dân vẫn không mặn mà bởi lên đó họ chưa thể ổn định cuộc sống”. Về việc kéo điện lưới ra cho các hộ dân sống ven sông, theo ông Phúc: “Chính sách Nhà nước đã được triển khai, không thể cổ súy cho người dân quay lại ven sông bằng việc kéo điện ra đó”…

Ông Ngôn nay đã mù một con mắt, cả đời ông sống trong le lói đèn dầu. Ông cũng không thể bứng cả gần mẫu đất của mình lên khu ở mới để sản xuất, vừa đảm bảo đời sống, vừa tận dụng căn nhà bỏ hoang đã trải qua bao mùa mưa nắng. Dù có nhà mới xây dựng kiên cố, nhưng những người như ông Ngôn, ông Hoàng đành chấp nhận bỏ hoang đấy, xuống bờ sống cuộc sống tăm tối đèn dầu, nhà gỗ vách đất.

Bài và ảnh: TRỌNG HUY

;
.
.
.
.
.