.

Mai một làng chiếu Cẩm Nê

.

Nhiều làng nghề, ngành nghề truyền thống tan rã do không đủ sức cạnh tranh, không theo kịp tốc độ phát triển của máy móc hiện nay. Dệt chiếu Cẩm Nê là ví dụ điển hình.
 

Nghề dệt chiếu Cẩm Nê đang bị mai một.
Nghề dệt chiếu Cẩm Nê đang bị mai một.

Một thời thịnh vượng

Tiếng tăm Làng chiếu Cẩm Nê (thôn Cẩm Nê, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang) không chỉ giới hạn trong phạm vi thôn, xã mà đã lan khắp trong Nam ngoài Bắc một thời. Cụ Lê Công đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, nhưng những chuyến xe chở chiếu đi bán khắp các vùng quê từ miền Tây sông nước đến miền Đông Nam Bộ thời trai trẻ vẫn còn như nguyên trong tâm trí. “Từ Rạch Giá, Cà Mau, Cái Răng, Hà Tiên, Cần Thơ, Bà Rịa… cho đến vùng Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, không nơi nào chưa đặt chân đến. Mỗi chuyến đi mang theo từ 200-300 đôi chiếu để bán. Cả làng dệt chiếu, đơn hàng về tới tấp, không có thời gian nghỉ. Trong những chuyến đi đó, chiếu Cẩm Nê đã đến với mọi vùng miền, tên tuổi, tiếng tăm theo đó vang dội khắp Nam Bắc”, cụ Công hồi tưởng.

Trong văn bia làng Cẩm Nê ghi rõ: “…Ngoài việc lấy nghề trồng trọt làm trọng, tổ tiên ta còn truyền lại con cháu nghề dệt chiếu tài hoa mà sản phẩm chiếu Cẩm Nê từng được sắc phong và làm rực rỡ hoàng cung Triều Nguyễn vẫn mãi mãi còn đóng góp xứng đáng cho sự phát triển của quê hương ở hiện tại và tương lai”.

Nghệ nhân Phan Tấn, người từng được Hiệp hội làng nghề Việt Nam tặng bằng khen vào năm 2010 cho biết: “Cả làng trước đây có hơn 400 hộ dệt, làm nghề chiếu. Ăn, ngủ, sinh hoạt cả làng đều rền vang trong tiếng khung dệt rộn ràng. Sống được, giàu lên, con cái đủ ăn, học hành nên nổi cũng bởi có nghề dệt chiếu”.

Cái chết tất yếu

“Từng đông đúc, nhộn nhịp là thế, mà nay cả làng chỉ còn đúng 2 hộ theo nghề. Nhà tôi vừa dệt, vừa nhập chiếu từ Duy Xuyên, Quảng Nam ra để bỏ mối. Trong khi đó, nhà ông Công chỉ có 2 bà lão ngoài 70 tuổi làm tháng vài ba đôi chiếu. Không sống nổi với nghề nữa, lớp trẻ không còn mặn mà nên có lẽ sau vài năm nữa thôi sẽ chẳng còn ai theo nghề này”, ông Tấn nói. Một kg sợi cói nhập 22.000 đồng, một đôi chiếu dệt công phu hết 16kg cói, 2 người làm trong hơn một buổi có giá 500.000 đồng (loại chiếu 1,6m x 2m). Tính hết mọi công cán, giai đoạn ngâm, luộc, giũ sợi, ủ nhuộm, phơi khén, phối màu và lên khung dệt, mỗi đôi chiếu như vậy bán xong, tính ra người làm công chỉ được hưởng từ 50.000-70.000 đồng. Trong khi đó, dệt công nghiệp, một chiếc chiếu rẻ nhất chỉ khoảng từ 30.000-40.000 đồng. Cũng chính vì thế, người trẻ ở làng chẳng còn ai theo nghề vất vả mà thu nhập thấp này. “Mất nghề truyền thống thôi! Như tôi tâm huyết lắm nhưng cũng bó tay”, nghệ nhân Tấn chia sẻ.

Ông Nguyễn Ái, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Tiến thừa nhận sự mai một của làng nghề. “Ở Hòa Tiến, bên cạnh nghề chiếu, còn có nghề đan lát cũng chung số phận. Do khả năng cạnh tranh thấp, thu nhập từ nghề ít, nguồn nguyên liệu nhập lại cao, và nhập từ các địa phương khác nên càng khó khăn. Năm 2004, xã từng có đề án khôi phục làng nghề dệt chiếu cổ truyền nhằm tạo việc làm cho người dân, đồng thời mở ra cơ hội phát triển du lịch. Nhưng kế hoạch chỉ nằm trên giấy, không có kinh phí hỗ trợ nên đề án đến nay cũng chẳng biết dạt về đâu”. Ông Ái cho biết thêm, trong Đề án xây dựng nông thôn mới, xã có chủ trương đưa nghề truyền thống vào danh mục, nhưng khi thẩm định ở cấp trên đã bị bỏ ra.

Bài và ảnh: TRỌNG HUY

;
.
.
.
.
.