Được xem là một trong những địa phương ít phức tạp về tình hình biến tướng mại dâm nhưng mỗi năm, Đà Nẵng đã kiểm tra, phát hiện và xử phạt hàng chục đối tượng bán dâm. Song, đây chỉ là con số bề nổi và thực trạng công tác phòng, chống mại dâm ở Đà Nẵng nói riêng, cả nước nói chung xem ra vẫn như “bắt cóc bỏ đĩa”.
Năm 2011, Đội kiểm tra liên ngành các cấp ở Đà Nẵng đã tiến hành kiểm tra 675 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm, qua đó cảnh cáo, chấn chỉnh 108 cơ sở, xử phạt hành chính 50 cơ sở hơn 62 triệu đồng, đình chỉ hoạt động 13 cơ sở. Ngoài ra, Đội còn phối hợp với Công an các địa phương tổ chức kiểm tra 13 tụ điểm hoạt động mại dâm, phát hiện và xử lý 22 đối tượng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, dù chuẩn bị lực lượng kỹ càng nhưng các cuộc đột kích bất ngờ đều bị lộ và các đối tượng nhanh chóng tẩu thoát. Trong khi đó, theo quy định của Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm, việc xử lý mại dâm phải bắt được quả tang và khi lập biên bản phải có sự thừa nhận của cả người mua dâm lẫn người bán dâm. Để phát hiện các đối tượng hoạt động mại dâm phải mất rất nhiều thời gian nhưng khó bắt được quả tang nên cơ quan chức năng không thể xử phạt được. Điều này lại càng khó hơn khi hoạt động mại dâm ngày càng tinh vi.
Đà Nẵng có khoảng 350 điểm kinh doanh dịch vụ nhạy cảm với 13 bar quy mô tương đối lớn, 59 cơ sở kinh doanh massage thu hút hơn 420 nhân viên nữ phục vụ cùng rất nhiều quán karaoke. Song, không phải tất cả các cơ sở dịch vụ nhạy cảm đều kinh doanh mại dâm. Cũng cần lưu ý trường hợp gái bán dâm liên kết với nhau thành nhóm, móc nối với hướng dẫn viên du lịch để cung cấp cho khách đến các địa điểm du lịch trong nước hoặc nước ngoài.
Tại Hội nghị giao ban phòng, chống tệ nạn xã hội 6 tháng đầu năm 2012 diễn ra tại thành phố Huế vừa qua, một thực trạng đau lòng được nêu ra là mại dâm trẻ em và vấn đề mua trinh xảy ra ngày càng nhiều. Mại dâm đồng giới; khiêu dâm, múa cột và kích dục tại các cơ sở karaoke, massage, spa vẫn tồn tại không chỉ ở Đà Nẵng mà còn ở nhiều nơi khác do thiếu chế tài xử lý trong quy định pháp luật hiện hành. Đà Nẵng hiện có hơn 700 người bán dâm (trong số hơn 30.000 người bán dâm trong cả nước), đứng thứ 7 trên cả nước. Mại dâm và quan hệ tình dục không an toàn đang trở thành một trong những nguyên nhân chính lây truyền HIV/AIDS. Qua báo cáo giám sát dịch HIV từ ngành y tế, tỷ lệ lây nhiễm qua đường tình dục khá cao (chiếm 30-40% tổng số các trường hợp được phát hiện). Như vậy, để dẹp tận gốc tệ nạn này phải có sự phối hợp đồng bộ từ Trung ương đến địa phương. Kinh phí cho hoạt động phòng, chống loại tệ nạn này hiện khá thấp. Chế độ chi cho cán bộ hoạt động đêm, có tính chất nguy hiểm chỉ 60.000 đồng/đêm nên không mang tính khuyến khích. Bên cạnh việc bổ sung biện pháp xử lý đối với mại dâm đồng giới và một số hành vi liên quan đến mại dâm trong Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm và các Nghị định hướng dẫn thi hành, như: kích dục, lưu trữ văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em..., cũng cần nghiên cứu xây dựng các chính sách, dịch vụ nhằm hỗ trợ người bán dâm trong việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế, phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS, các dịch vụ hỗ trợ xã hội tại cộng đồng.
THỦY NGÀ