.

Tấm lòng người chị họ

.

Sau tai nạn xảy ra vào tháng 3-2009, suốt hơn 3 năm nay, anh Nguyễn Hữu Tính nằm bất động, lưng, mông lở loét. Bên cạnh anh chỉ có người chị họ chăm sóc kể từ khi anh bị nạn.

Bà Nga chăm sóc anh Tính hơn 3 năm nay.
Bà Nga chăm sóc anh Tính hơn 3 năm nay.

Trong căn nhà nhỏ trên đường Phùng Chí Kiên (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) có người đàn bà ngoài 50 tuổi tận tụy rửa vết thương trên lưng của người đàn ông ngoài 40 tuổi với tay, chân co quắp, cứng đơ, chỉ có con mắt còn cảm nhận và cái miệng còn nói khẽ được. Trò chuyện với khách lạ, kể về cuộc đời, đôi mắt ấy rớm lệ, cố tình cựa quậy cánh tay khỏe nhất để lau nước mắt nhưng bất lực...

Người đàn bà ấy là Nguyễn Thị Nga (trú tổ 84, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu). Còn người đàn ông là Nguyễn Hữu Tính (trú tổ 43, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà). Họ là chị em con cô cậu. Bà Nga kể với tôi về cuộc đời khốn khổ của người em họ, về bước ngoặt cuộc đời anh Tính kể từ khi anh bị tai nạn rồi bại liệt.

Tháng 3-2009, anh Tính bị tai nạn giao thông, chấn thương gây dập tủy sống. Nỗi đau tai nạn chưa nguôi với anh thì người vợ lặng lẽ ra đi, để lại người chồng một mình chống chọi với bệnh tật và đứa con thơ. “Từ ngày ra viện, nó (anh Tính - PV) được đưa về nằm trong chái nhà, sát chợ Phước Tường. Ngày ngày tôi phải vừa chăm sóc nhà mình có mẹ già và chồng con, vừa phải chạy hơn 10km để xuống tắm rửa, bôi thuốc và cho nó ăn, vệ sinh cho nó. Có hôm về đến nhà đã quá trưa”, bà Nga kể.

Cuối năm 2011, đơn xin ly hôn của anh Tính được tòa chấp thuận. Thế là bà Nga đón anh Tính về nhà để tiện chăm sóc.

Nhìn bà Nga thay băng, rửa vết thương cho anh Tính chẳng khác y tá lành nghề: “Nó mất hoàn toàn cảm giác chứ không thì khó vật lộn với vết loét lan rộng và sâu như thế. Ban đầu tôi cũng thấy sợ, nhưng làm riết rồi quen”. Cứ 4 giờ 30 hằng ngày, bà Nga trở dậy, nấu nước sôi, pha sữa, trà cho mẹ chồng, quay lại thay băng, rửa vết thương cho anh Tính, rồi cơm bưng nước rót cho  gia đình (bà ở chung nhà với con trai, con dâu và cháu nội), sau đó vội vàng ra chợ để chuẩn bị cho bữa trưa, chiều… Cứ thế, vòng quay ngày qua ngày, tháng qua tháng, năm qua năm cuốn bà theo cùng đồng lương hưu ít ỏi của bà và chồng. Hỏi vì sao lại có tình yêu thương và nghị lực lớn đến thế, bà Nga cười: “Gia đình là động lực và niềm tin đầu tiên với tôi, sau nữa Tính là em họ. Làm phúc thiên hạ được thì chẳng lẽ lại bỏ rơi em mình”. Rồi bà Nga bùi ngùi: “Nó xin được chết hoài, nhưng vẫn phải sống, vẫn phải chống chọi với bệnh tật mà tồn tại giữa cuộc đời chứ”.

Bài và ảnh: TRỌNG HUY
 

;
.
.
.
.
.