.
VỤ “SỚM GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI

” Tòa bác kiến nghị của Viện Kiểm sát

.

Báo Đà Nẵng số ra ngày 7-6-2012 đăng bài “Sớm giải quyết tranh chấp đất đai” phản ánh và kiến nghị các cơ quan chức năng cần sớm phối hợp giải quyết tranh chấp đất đai giữa hộ bà Lê Thị Thảo (139 Trưng Nữ Vương, quận Hải Châu) và hộ bà Hoàng Thị Hồng (137 Trưng Nữ Vương).

Bà Thảo trước bức tường nhà mình bị hàng xóm đục thủng.
Bà Thảo trước bức tường nhà mình bị hàng xóm đục thủng.

Ngay sau khi báo đăng, Tòa án Nhân dân (TAND) thành phố mở phiên tòa xét xử vụ án vào sáng 19-7-2012. Tuy nhiên, phiên tòa chỉ diễn ra gần 5 phút. Sau khi giới thiệu thành phần hội đồng xét xử phúc thẩm, xác minh thành phần nguyên đơn, bị đơn có mặt tại phiên tòa, Thẩm phán, Chủ tọa phiên tòa tuyên: “Do Thẩm phán, Chủ tọa phiên tòa là ông Nguyễn Văn Đạm bị ốm đột xuất nhưng không có thẩm phán dự khuyết nên TAND thành phố quyết định hoãn phiên tòa và không ấn định lại thời gian xét xử”. Nguyên đơn là bà Thảo đứng dậy nói gì đó, liền bị Thẩm phán, Chủ tọa phiên tòa nói lớn: “Phiên tòa đã kết thúc rồi!”, khiến những người tham dự phiên tòa ngơ ngác, hụt hẫng…

Phiên tòa phúc thẩm được mở lại vào chiều 6-8-2012. Trong phần lớn thời gian xét hỏi nguyên đơn là bà Thảo, Thẩm phán, Chủ tọa phiên tòa - ông Nguyễn Văn Đạm cùng các Thẩm phán Trương Chí Trung, Lê Tự vặn vẹo bà Thảo để cố chứng minh bức tường xây trên móng, dưới dầm và giữa 2 trụ của nhà bà Thảo là của bà Hồng. Trong khi đó, phần xét hỏi người đại diện bị đơn là bà Hồng rất chóng vánh và cũng để chứng minh bức tường nằm trên móng, dưới dầm, giữa hai trụ của nhà hàng xóm thuộc về nhà bà Hồng. Chỉ có phần hỏi nguyên đơn và bị đơn của Kiểm sát viên Ngô Văn Hùng - đại diện cho Viện KSND thành phố khá cụ thể về những vấn đề cần làm rõ.

Phát biểu tại phiên tòa, đại diện Viện KSND thành phố kết luận: “Do bức tường tranh chấp là tường riêng của nhà bà Thảo, nhà bà Hồng không xây tường. Khi xây dựng nhà mới vào năm 2011, bà Hồng đã gọt bức tường nhà bà Thảo và đục sâu vào tường nhà bà Thảo để áp trụ bê-tông cốt thép. Việc khiếu nại của bà Thảo có căn cứ nhưng không được tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận. Hơn nữa, trong quá trình giải quyết vụ án, cấp sơ thẩm không tiến hành thu thập chứng cứ về hồ sơ thiết kế nhà bà Hồng để làm căn cứ giải quyết vụ án. Theo hồ sơ thiết kế xây dựng nhà bà Hồng do Sở Xây dựng cung cấp, mặt bằng tầng 1 nhà bà Hồng có số đo mặt tiền 4,04m, phần cuối giáp với nhà bà Thảo cũng có số đo 4,04m. Nhưng theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 3401060572 cấp cho bà Hồng ngày 26-6-2000 thì số đo mặt tiền trùng với thiết kế là 4,04m, riêng số đo phần cuối giáp với nhà bà Thảo 3,87m (nhỏ hơn so với hồ sơ thiết kế xây dựng nhà 0,17m). Viện KSND thành phố thấy rằng, bản án số 127/2011/DSST của TAND quận Hải Châu không có căn cứ, cần phải cải sửa ở cấp phúc thẩm nên đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm TAND thành phố căn cứ vào Điều 275, Bộ luật Tố tụng dân sự chấp nhận đơn khởi kiện, đơn kháng cáo của bà Thảo. Đồng thời, sửa bản án sơ thẩm số 127/2011/DSST của TAND quận Hải Châu là có căn cứ, phù hợp với thực tế quản lý và sử dụng đất của các hộ liền kề”. Vị đại diện Viện KSND thành phố còn cho rằng: “Viện KSND thành phố đã đề nghị TAND thành phố đến hiện trường xem xét thực tế có sự chứng kiến của Viện KSND thành phố trước khi xét xử, nhưng TAND thành phố lại lờ đi”.

Tuy nhiên, Hội đồng xét xử phúc thẩm, TAND thành phố vẫn cho rằng: “Đề nghị của Viện KSND thành phố không cần thiết, Hội đồng xét xử không chấp nhận” và tuyên xử: “Không chấp nhận kháng cáo của bà Lê Thị Thảo, giữ nguyên các quyết định của bản án dân sự sơ thẩm số 127/2011/DSST của TAND quận Hải Châu…”. Được biết, Viện KSND thành phố cũng vừa kháng nghị lên Viện KSND tối cao theo trình tự Giám đốc thẩm đối với vụ án này, bà Lê Thị Thảo cũng nộp đơn kháng cáo lên TAND tối cao.

Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP

;
.
.
.
.
.