.

Nhếch nhác chợ hải sản

.

Chính thức hoạt động từ tháng 5-2011, nhưng trước đó chợ hải sản (phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê) luôn vắng người do các tiểu thương không chịu vào chợ buôn bán. Tới khi tiểu thương chịu ngồi bán trong chợ thì vấn đề ô nhiễm môi trường lại phát sinh.

Không có cống thoát nước, nước thải được xả trực tiếp ra nền chợ.
Không có cống thoát nước, nước thải được xả trực tiếp ra nền chợ.

Do đặc thù của mặt hàng hải sản tươi sống thường xuyên dùng nước mặn, nước đá, nhưng do không có cống thoát nước nên các tiểu thương đã xả thẳng xuống nền khiến chợ luôn trong tình trạng bẩn, ẩm ướt. Theo quan sát, mặc dù được thiết kế cho chợ hải sản nhưng mặt nền chợ không có độ nghiêng, không có hệ thống thoát nước. Các tiểu thương không thể ngồi bán hàng trong chợ mà chuyển qua ngồi bên ngoài mái hiên và che bạt để bán. Bà H, một tiểu thương bức xúc: “Yêu cầu chúng tôi vào chợ nhưng không ngồi trong chợ được, phải căng bạt thế này, mùa nắng thì nóng, mùa mưa thì nước nhỏ xuống lưng, cống thoát nước không có, nhếch nhác, bẩn như thế thì khách nào vào mua”.

Trao đổi về vấn đề này, đại diện Tổ Quản lý chợ hải sản, cho biết hiện nay chợ có 53 hộ đăng ký kinh doanh nhưng chỉ có khoảng 40-45 hộ thường xuyên buôn bán, trong đó có khoảng 30 hộ buôn bán mặt hàng hải sản. Tuy nhiên, khi chợ đi vào hoạt động rồi mới thấy những bất cập. Thông thường khi xây dựng chợ hải sản phải lựa chọn những nơi xa khu dân cư, nhưng ở đây chợ được đặt sát với các nhà dân. Khi thiết kế, hệ thống thoát nước đã không được tính đến, nên khi nước thải đổ ra không có lối thoát thì ứ đọng và bốc mùi hôi khó chịu, khiến các tiểu thương gặp nhiều khó khăn trong việc buôn bán.

Mới đây UBND phường Thanh Khê Đông đã đầu tư kinh phí khắc phục từng bước, dù chỉ là giải pháp tình thế nhưng vẫn phải làm để bảo đảm vệ sinh môi trường cho người mua, người bán và dân cư chung quanh. Ngoài ra, sau mỗi buổi chợ, nhân viên bảo vệ chợ hải sản đều dọn dẹp, thu gom rác và phun nước, quét dọn để giảm bớt mùi hôi nên đến nay tình trạng nước thải ứ đọng không còn nhiều nhưng mùi hôi đặc trưng của chợ hải sản thì không tránh được.

Việc giữ gìn vệ sinh môi trường chung không phải là việc của riêng Ban quản lý chợ mà cần có sự chung tay của cả các tiểu thương. Ông Lê Phi Hùng, nhân viên bảo vệ chợ cho biết, nhiều người ý thức rất kém, họ xả thẳng rác như ốc, ghẹ, chíp chíp chết xuống cống, khiến cống bị tắc, nước trào ngược lên. Nhiều khi nửa đêm vẫn còn phải hì hục móc cống để thoát nước thải.

Theo ông Huỳnh Tấn Hải, Chủ tịch UBND phường Thanh Khê Đông, trước bức xúc của các tiểu thương và những người dân, phường cũng đã cấp kinh phí xử lý, làm rãnh dẫn nước thải tạm thời, thường xuyên thu gom rác để nước tiêu xuống cống, tuyên truyền nâng cao ý thức của các tiểu thương trong việc giữ gìn môi trường. Bên cạnh đó cũng kiến nghị với quận có kế hoạch đầu tư cải tạo hệ thống thu gom, thoát nước thải. Tuy nhiên, do còn gặp một số khó khăn nên chưa thể xử lý trong năm nay được, trong năm 2013 sẽ tiếp tục đề xuất để sớm giải quyết cho các tiểu thương và dân cư quanh đó yên tâm kinh doanh, buôn bán.

Bài và ảnh: THU HÀ

;
.
.
.
.
.