.

Chờ đèn tín hiệu giao thông

.

Báo Đà Nẵng nhận được đơn kiến nghị của bà Nguyễn Thị Hoài Nam (trú phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) phản ánh về tuyến đường Ngô Quyền, cụ thể là tại ngã ba Ngô Quyền - Nguyễn Trung Trực thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông (TNGT), trong đó có nhiều vụ gây chết người.

Tại ngã ba Ngô Quyền - Nguyễn Trung Trực, các làn xe chồng chéo nhau.
Tại ngã ba Ngô Quyền - Nguyễn Trung Trực, các làn xe chồng chéo nhau.

Theo bà Nam, ngoài sự bất cẩn của người điều khiển phương tiện, một trong những nguyên nhân cơ bản gây TNGT là tại ngã ba (thực chất là ngã năm, vì đường Ngô Quyền có đến 4 làn, giao với đường Nguyễn Trung Trực) từ khi hình thành các tuyến đường đến nay vẫn không có đèn tín hiệu giao thông.

Ông Lê  Bắc Công, cán bộ UBND phường An Hải Bắc cho biết, tại ngã ba Ngô Quyền - Nguyễn Trung Trực có hơn 10 hộ dân sinh sống, trong đó có 3 nhà kinh doanh vật liệu cũ chủ yếu là cửa sắt, cầu thang, lan can. Việc buôn bán, chở đồ cồng kềnh của các cửa hàng này và ngay nút giao thông có một quán cà-phê nên lưu lượng người qua lại tại ngã ba luôn đông đúc.

Theo quan sát và tìm hiểu cho thấy, từ đường Ngô Quyền rẽ xuống đường Nguyễn Trung Trực có độ dốc tương đối cao. Cách ngã ba vài trăm mét là Trường THCS Lê Độ với hơn 1.500 học sinh, phía đối diện là Khu công nghiệp An Đồn có khoảng 7.000 công nhân. Ước tính mỗi ngày có khoảng 5.000 lượt người qua lại trên tuyến đường này, nhất là giờ tan tầm, học sinh tan học, công nhân ở khu công nghiệp ghé chợ cóc bên phía đường gom hoặc chợ An Hải Bắc để mua bán dẫn đến giao thông chồng chéo nhau.

Cũng theo ông Công, tuyến đường Ngô Quyền (quốc lộ 14B) dẫn ra Cảng Tiên Sa có nhiều xe trọng tải lớn, xe container ra vào cảng và các nhà máy, lưu lượng phương tiện lớn, nhỏ lúc nào cũng tấp nập. Không riêng gì ngã ba Ngô Quyền - Nguyễn Trung Trực mà ngay ngã ba phía dưới Ngô Quyền - Nguyễn Thế Lộc còn có nhiều xe taxi của các hãng đỗ, đậu chờ đón khách nên lòng đường càng bị thu hẹp.

Theo số liệu của Công an quận Sơn Trà, từ đầu năm 2012 đến nay, số vụ tai nạn giao thông trên địa bàn toàn quận giảm so với cùng kỳ năm ngoái ở cả 3 tiêu chí với 14 vụ (giảm 8 vụ); chết 13 người (giảm 3 người), bị thương 7 người (giảm 13 người); va chạm giao thông 28 vụ (giảm 77 vụ), bị thương 39 người (giảm 43 người).

Theo đánh giá của lãnh đạo phường An Hải Bắc, một trong những nguyên nhân TNGT là do sự chủ quan của người dân, đường mới, thoáng rộng nên phóng nhanh, chạy ẩu. Tại những tuyến đường gom sát khu dân cư, người, xe từ các ngõ chạy ra cũng dễ xảy ra va chạm.

Lãnh đạo phường An Hải Bắc còn cho biết, vào giờ cao điểm buổi sáng, giờ tan tầm vẫn có lực lượng của Đội Quy tắc đô thị quận và đội Trật tự đô thị phường làm nhiệm vụ. Song, tuyến đường rộng và dài, trong khi lực lượng tuần tra, kiểm soát trật tự mỏng nên chưa thể bao quát hết công việc.

Trong công văn ngày 31-10-2012 của UBND phường An Hải Bắc gửi Văn phòng Quận ủy Sơn Trà đã nêu: “Đối với các nút giao thông cầu sông Hàn, Ngô Quyền - Phạm Văn Đồng, Ngô Quyền -Nguyễn Thế Lộc, Ngô Quyền - Nguyễn Trung Trực - cổng Khu công nghiệp An Đồn, đề nghị Sở Giao thông vận tải khảo sát, trình UBND thành phố lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu giao thông (chú ý nguy hiểm) để bảo đảm an toàn giao thông, vì tuyến đường này lưu lượng phương tiện và người tham gia giao thông ngày càng tăng, dễ xảy ra tai nạn, có trường hợp đã xảy ra TNGT gây chết người”. Thế nhưng, đến nay người dân vẫn đang chờ đợi đèn tín hiệu giao thông.

Bài và ảnh: CAO MINH

;
.
.
.
.
.