Mặc dù việc lắp đặt cabin vắt, trữ sữa tại các doanh nghiệp ở khu công nghiệp - chế xuất (KCN-CX) trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã được triển khai 4 tháng nhưng đến nay, số công nhân thực hiện vẫn rất ít.
Bà Lệ (giữa) thường xuyên thăm hỏi, động viên công nhân tham gia vắt, trữ sữa ở cabin. |
Bà Phan Hoa Lê, Phó Ban Tuyên giáo - Nữ công, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố cho biết, số lượng nữ công nhân, viên chức, lao động thành phố hiện nay là 66.058 người, trong đó hơn 80% trong độ tuổi sinh đẻ và đang nuôi con nhỏ dưới 24 tháng tuổi, tập trung nhiều ở 6 KCN-CX. Khi chương trình nuôi con bằng sữa mẹ tại nơi làm việc được triển khai, LĐLĐ thành phố được Tổng LĐLĐ Việt Nam, Tổ chức Alive&Thrive hỗ trợ 5 đợt truyền thông, mỗi đợt từ 100-150 người dự nghe. Sau đó, LĐLĐ thành phố tự tổ chức thêm 3 đợt cho khoảng 450 người, trong đó có một đợt dành cho cán bộ nữ Công đoàn các cấp. Những buổi truyền thông này không chỉ dành cho người đang nuôi con nhỏ, người đang mang thai mà cả những người đã có con lớn cũng quan tâm. Các bà mẹ tương lai được trang bị kiến thức thực hành và những lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ. Nhưng theo đánh giá của bà Lê, nhiều nữ công nhân vẫn e ngại nên hiệu quả hoạt động của các cabin vắt, trữ sữa ở các KCN chưa thật sự cao; mỗi cabin chỉ có vài trường hợp tới vắt, trữ sữa và quá trình này cũng không liên tục.
Công ty CP SX TM Hữu Nghị Đà Nẵng (KCN An Đồn) là một trong 4 doanh nghiệp được lắp cabin vắt, trữ sữa. Bà Trần Thị Lệ, Phó Chủ tịch Công đoàn, Trưởng Ban Nữ công của công ty cho biết, nữ công nhân của công ty chiếm số đông nên công ty luôn tạo điều kiện để các bà mẹ gần gũi, chăm sóc con trong những năm tháng đầu đời.
Từ khi có cabin vắt trữ sữa, có 3 chị thường xuyên sử dụng, trong đó chị Trần Thị Phương (30 tuổi, ở phường An Hải Bắc) dùng thường xuyên nhất. Hằng ngày chị tranh thủ đến cabin vắt sữa và gọi người nhà đến lấy về cho con bú. Theo chị Phương, cách này rất hiệu quả bởi con chị được dùng sữa mẹ suốt những tháng đầu đời và mẹ cũng không bị tức sữa.
Lý giải về việc ít công nhân dùng cabin vắt, trữ sữa, theo bà Lệ, do công nhân chủ yếu là người địa phương, một số người nhà gần thì tranh thủ giờ nghỉ trưa về cho con bú hoặc vắt sữa sẵn ở nhà vào buổi sáng. Với những công nhân hết chế độ nghỉ thai sản, đến nộp giấy tờ để đi làm lại, bà Lệ đều tranh thủ trò chuyện, gửi tờ rơi… để khi đi làm công nhân có thể sử dụng các cabin này. Đồng thời, bà cũng mong muốn có thêm những buổi truyền thông cho những người sắp có con nhỏ để họ hiểu sữa mẹ không chỉ tốt mà còn giúp các gia đình tiết kiệm chi phí mua đồ ăn dặm bên ngoài cho trẻ.
Chị Phan Thị Lan, Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Keyhinge Toys (KCN Hòa Khánh) cho biết, từ khi lắp đặt cabin, số công nhân sử dụng vắt, trữ sữa chỉ đếm trên đầu ngón tay. Có nhiều lý do, chẳng hạn như cabin được lắp đặt ở phòng y tế, khá xa nơi sản xuất, không tiện trong việc đi lại. Có công nhân khi được bác sĩ tư vấn cứ vắt sữa để kích thích nguồn sữa nhưng tiếc không làm theo nên chẳng bao lâu mà tắc sữa. Một phần cũng do công ty có nhiều nữ công nhân ở xa, phải thuê nhà trọ, điều kiện còn hạn chế, vắt sữa về không có chỗ trữ.
Từ thực tế trên, bà Hoa Lê nhấn mạnh, LĐLĐ sẽ đẩy mạnh công tác truyền thông hơn nữa, nhất là những người sắp làm mẹ, đang mang thai, cán bộ nữ công, cán bộ y tế tại các doanh nghiệp và lãnh đạo doanh nghiệp, với các hình thức khác nhau để thay đổi quan niệm, thói quen cho trẻ ăn dặm sớm. Có như vậy thì những cabin vắt, trữ sữa mới thực sự hoạt động hiệu quả.
Chương trình nuôi con bằng sữa mẹ tại nơi làm việc được Tổng LĐLĐ Việt Nam phối hợp với tổ chức Alive&Thrive (Tổ chức Nuôi dưỡng phát triển) triển khai chương trình hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ tại nơi làm việc, giúp lao động nữ thực hiện nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu. Tại Đà Nẵng có 4 doanh nghiệp ở 6 KCN-CX được lắp đặt cabin vắt, trữ sữa, mỗi cabin được trang bị một tủ lạnh. Công nhân đến cabin vắt sữa vào bình, dán tên, sau đó trữ trong ngăn lạnh để cuối buổi mang về hoặc gọi người nhà đến lấy, làm ấm khoảng 37 độ thì cho bé sử dụng. Mỗi bình sữa được trữ lạnh có thể sử dụng trong 24-48 giờ. |
Bài và ảnh: THU HÀ