.

Vụ lúa đông xuân sẽ có đủ nước tưới

.

Những ngày qua, nông dân nhiều địa phương lo ngại với tình hình hạn hán bất thường trong mùa mưa khiến mực nước hạ rất thấp ở các kênh mương, sông ngòi, hồ chứa, hồ thủy điện sẽ không có đủ nước để sản xuất vụ đông xuân.

Diện tích sản xuất lúa đông xuân đều được cung cấp đủ nước, phục vụ nông dân đổ ải, gieo sạ.
Diện tích sản xuất lúa đông xuân đều được cung cấp đủ nước, phục vụ nông dân đổ ải, gieo sạ.

Theo Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão - Sở NN&PTNT thành phố Đà Nẵng, diện tích sản xuất lúa vụ đông  xuân này khoảng 3.000ha. Trong đó, các hồ đập chịu trách nhiệm tưới 1.300ha lúa, các trạm bơm chịu trách nhiệm tưới 1.500ha và khoảng 200ha lúa còn lại được tưới bằng các biện pháp và nguồn khác. Tuy nhiên, do lượng mưa thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái nên đến đầu tháng 12-2012, 3 hồ chứa lớn là hồ Đồng Nghệ, Hòa Trung, Trước Đông chỉ mới tích trữ được tổng cộng 15,5 triệu m3 nước trong khi dung tích thiết kế của 3 hồ này là 31,23 triệu m3. Mực nước ở đập dâng An Trạch ở cao trình +2m và hiện đã đóng 11/12 cửa xả để tích nước, chỉ mở một cửa xả (so với cùng kỳ năm ngoái là mở 8/12 cửa xả) bảo đảm kỹ thuật và điều hòa sinh thái. Trong số 16 hồ chứa nước nhỏ do các địa phương quản lý thì chỉ có 12 hồ có đủ nước tưới cho vụ đông  xuân. Trong đó, mực nước hồ Hòa Khê (xã Hòa Sơn) và An Nhơn (xã Hòa Phú) ngang mực nước chết, nếu trời không mưa thì không có nước tưới cho 14ha lúa ở Hòa Sơn ngay từ đầu vụ đông  xuân, còn 3ha ruộng thiếu nước tưới ở Hòa Phú, địa phương chủ trương không gieo cấy lúa vụ đông xuân. Hồ Hố Gáo (xã Hòa Sơn) và Diêu Phong (xã Hòa Nhơn) chịu trách nhiệm tưới cho 16ha lúa đã tích trữ được tổng cộng 115.000m3 nước, còn thiếu 27.800m3 nước.

Về phương án chống hạn năm 2013, ông Lê Duy Vọng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão cho rằng: “Lượng nước tưới của 2 hồ chứa Hố Gáo và Diêu Phong thiếu ít, nếu tổ chức tưới tiết kiệm thì đủ nước. Đối với 1.300ha lúa tưới bằng hồ đập, vụ đông xuân cần khoảng 11 triệu m3 nước trong khi tổng lượng nước ở các hồ chứa hiện nay khoảng 17 triệu m3, như vậy nếu không có mưa thì các hồ chứa vẫn đủ nước tưới vụ đông xuân. Đối với 1.500ha lúa tưới bằng các trạm bơm, nếu tiếp tục không mưa thì mực nước thượng lưu đập dâng An Trạch hạ thấp, gây thiếu hụt nguồn nước cho các trạm bơm hoạt động. Với 19 hồ chứa nước hiện có đều là hồ điều tiết năm, đến nay mới tích được 50-60% dung tích hữu ích, nếu trong năm không có lũ tiểu mãn thì sẽ không có nước tưới vụ hè thu 2013”.

Còn ông Phạm Tác, Trưởng phòng Quản lý nước và công trình, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Đà Nẵng cho hay: “Công ty đã cấp nước đầy đủ cho 1.995ha ruộng theo hợp đồng, phục vụ cho nông dân đổ ải, gieo sạ lúa vụ đông xuân. Nếu từ nay đến cuối vụ mà trời không có mưa lớn vẫn có đủ nước sản xuất, nhưng không còn nước để đổ ải vụ hè thu và nếu không có lũ tiểu mãn thì sẽ không có nước để tưới vụ hè thu. Sắp tới, khi các nhà máy thủy điện xả nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, nước vừa được tích lại nhờ đập dâng An Trạch, vừa được các trạm bơm đưa nước vào kênh mương, đồng ruộng. Để chống hạn, tiết kiệm nước, công ty cũng sẽ điều tiết nước hợp lý; phối hợp với các đội thủy nông cơ sở tổ chức lấy nước đúng phiên và xử lý kịp thời những sự cố; tu bổ, đắp kín các đập thời vụ, đập ngăn kênh tiêu trong khu tưới, khắc phục rò rỉ nước kênh mương và bờ ruộng; phối hợp tổ chức và phát động nhân dân đắp bờ giữ nước”.

Tuy nhiên, theo báo cáo của 2 đơn vị nói trên, dự kiến với thời gian xảy ra hạn và chống hạn trong 60 ngày, tiền điện, dầu diesel sẽ ngốn hết 1,336 tỷ đồng và chi phí nạo vét, đắp đập bổi để ngăn, giữ nước cũng tốn 100 triệu đồng, chưa kể chi phí lắp đặt và thuê thêm máy bơm để bơm nước chống hạn. Được biết, hiện tất cả diện tích sản xuất lúa vụ đông xuân đều đã có nước phục vụ nông dân đổ ải, gieo sạ.

Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP

;
.
.
.
.
.