Vài tháng trở lại đây, tin đồn giá đỗ ở một số địa phương được sản xuất bằng hóa chất độc hại gây hoang mang trong dư luận. Nhiều người “tẩy chay” giá đỗ, bất chấp loại giá đó có độc hại hay không.
Giá sau 5 ngày ủ sẽ được đem đi tiêu thụ. |
Điều này làm nông dân sản xuất giá đỗ thuộc Chi hội nghề nghiệp làng giá đỗ truyền thống Nghi An (phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ) gặp không ít khó khăn.
Sản xuất giảm
Tại cơ sở sản xuất giá đỗ của anh Nguyễn Văn Thuận (tổ 14A, phường Hòa Phát) - Chi hội trưởng Chi hội nghề nghiệp làng giá Nghi An, quang cảnh sản xuất không còn sôi động như trước. Trước đây, mỗi ngày cơ sở của anh Thuận sản xuất khoảng 400 -500kg giá đỗ, bình quân thu nhập từ 400.000 - 500.000 đồng/ngày. Tuy nhiên, kể từ khi có tin đồn giá nhiễm độc, lượng giá đỗ do cơ sở anh sản xuất giảm một nửa do lượng tiêu thụ giảm. Anh Thuận bức xúc: “Đã 3 đời nay, gia đình tôi mưu sinh bằng nghề làm giá chưa bao giờ gặp phải tình trạng này. Chỉ vì một tin đồn ở đâu đâu mà giờ nông dân điêu đứng”.
Tương tự, ở cơ sở sản xuất của ông Võ Phán (tổ 12, phường Hòa Phát) - hội viên chi hội nghề nghiệp làng giá Nghi An, tình hình sản xuất cũng không mấy khả quan. Theo quan sát của chúng tôi, dụng cụ sử dụng để ủ giá như lu, tấm lát được lật úp hoặc treo lên. Ông Phán cho biết, khoảng
2 - 3 tháng trở lại đây, từ lúc tin đồn xuất hiện, sức tiêu thụ giảm đáng kể, nên lượng giá do cơ sở ông sản xuất cũng phải giảm 1/3. Trước đây, cơ sở này ủ từ 300 -400kg giá/ngày, nhưng nay chỉ ủ khoảng 200kg và làm theo kiểu cầm chừng. “Mình sản xuất giá sạch, có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) hẳn hoi. Giá nhiễm độc ở đâu đâu không biết, nhưng người tiêu dùng cứ vơ đũa cả nắm thì oan cho giá làng Nghi An quá”, ông Phán nói.
Nhiều cơ sở sản xuất giá khác thuộc Chi hội nghề nghiệp làng giá Nghi An hiện cũng lâm vào tình cảnh lao đao vì nguồn tiêu thụ giảm kéo theo việc sản xuất cũng bị giảm sút. Nhiều người bỏ ngỏ khả năng tiếp tục sản xuất giá.
Minh oan cho làng giá
Chi hội nghề nghiệp làng giá Nghi An được thành lập vào năm 2010 với 15 hộ gia đình tham gia sản xuất, phân phối giá đỗ cho toàn thành phố. Chi hội trưởng Nguyễn Văn Thuận cho biết, quy trình sản xuất giá được nông dân thực hiện chặt chẽ, bảo đảm VSATTP. Các công cụ sử dụng để sản xuất giá như lu, tấm lát đậy đều được tẩy trùng bằng vôi, đậu xanh trước khi đưa vào ủ cũng được xử lý bằng cách ngâm vôi; nước tưới được bơm trực tiếp từ giếng. Giá sau 5 ngày ủ sẽ được đem đi tiêu thụ.
Nông dân sản xuất giá làng Nghi An đã gửi mẫu đến Sở NN&PTNT, sau đó Sở tiếp tục gửi mẫu đến Trung tâm Chất lượng nông-lâm-thủy sản vùng 2, thuộc Cục Quản lý chất lượng nông-lâm sản và thủy sản để kiểm tra. Kết quả thử nghiệm hóa học, vi sinh khẳng định giá đỗ Nghi An đạt tiêu chuẩn VSATTP, không bị nhiễm độc.
Bà Hoàng Thị Ánh, Chủ tịch Hội Nông dân phường Hòa Phát, cho biết: “Sau khi tiếp nhận thông tin, Hội Nông dân phường đã đến từng hộ động viên nông dân duy trì sản xuất, ngành nghề truyền thống, đồng thời tăng cường tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân để họ hiểu giá của Chi hội giá làng Nghi An là giá sạch, bảo đảm VSATTP. Hội Nông dân cũng mong rằng, người dân tiếp tục sử dụng sản phẩm giá để làng giá Nghi An phát triển ổn định”.
Bài và ảnh: CAO NGUYÊN