.

Nhà báo Lê Ngọc Cẩn: Trọn đời vì sự nghiệp báo chí Cách mạng

.

Lúc 0 giờ 20 ngày 16-1, ông Lê Ngọc Cẩn (tên khai sinh Lê Đồi, bí danh Thu Bồn) - nhà báo trọn đời vì sự nghiệp báo chí Cách mạng - đã trút hơi thở cuối cùng, mặc dù được các bác sĩ hết lòng cứu chữa, để lại trong lòng bạn bè, đồng nghiệp và gia đình niềm tiếc thương vô hạn.

Mới vào thăm ông trên giường bệnh ngày 14-1-2013, nghe các bác sĩ nói rằng, ông có triển vọng phục hồi sức khỏe, nhưng thấy ông vật vã trên giường bệnh thì chúng tôi nửa mừng, nửa lo. Nhưng cuộc đời thật trớ trêu, nửa lo ấy lại trở thành sự thật đau lòng.

Ông Cẩn sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo nhưng giàu truyền thống cách mạng thuộc xã Duy Tiến (nay là xã Duy Hòa, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam). Cha mẹ ông mất sớm, nhà nghèo lại đông con, vì không có ruộng đất nên năm 12 tuổi, ông phải đi ở cho địa chủ để tự nuôi thân. Nhưng trước sự bóc lột, đánh đập dã man của địa chủ, ông bỏ về với gia đình, tham gia hoạt động trong các tổ chức đoàn thể Cách mạng của địa phương đến khi hòa bình lập lại vào năm 1954.

Nhưng địch đã không thi hành Hiệp định Genève, mà quay lại đàn áp những người cách mạng, trả thù kháng chiến, đỉnh cao là cuộc tàn sát 47 chiến sĩ cách mạng tại đập Vĩnh Trinh (năm 1955). Ông Cẩn và một số chiến sĩ gồm các ông Đào Nghi, Võ Công… ra Đà Nẵng tìm Ủy ban Quốc tế về giám sát thi hành Hiệp định Genève ở Việt Nam để tố cáo tội ác của địch và đòi chúng phải để những người kháng chiến tập kết ra miền Bắc như Hiệp định đã ký. Sau 5 ngày đấu tranh không khoan nhượng, cuối cùng Ủy ban Quốc tế đã phải đưa ông và nhiều người kháng chiến khác ra cầu Hiền Lương để tập kết ra miền Bắc. Ngay tại đây, ông được Cách mạng phân công làm nhiệm vụ vận hành máy phát điện của TTXVN tại Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị) và trở thành phóng viên ảnh. Từ đó đến khi về hưu, ông đã gắn bó cuộc đời mình với sự nghiệp báo chí Cách mạng (TTXVN từ năm 1957-1971, Báo Thanh Hóa từ năm 1971-1976, Báo Quảng Nam - Đà Nẵng từ năm 1976-1996).

Hơn 40 năm cầm máy, ông đã có hàng ngàn bức ảnh phản ánh đời sống sản xuất, chiến đấu, xây dựng đất nước của quân và dân các địa phương mà ông đã công tác. Đặc biệt, những năm tháng làm báo Quảng Nam - Đà Nẵng, những tác phẩm ảnh báo chí của ông phản ánh sinh động, kịp thời mọi mặt đời sống của quân và dân Quảng Nam - Đà Nẵng trong công cuộc tái thiết đất nước, xây dựng quê hương. Thông qua những bức ảnh của ông, người xem hình dung được tầm vóc, sự vĩ đại của sự nghiệp tái thiết và xây dựng quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng anh hùng. Đó là những hình ảnh phản ánh những hoạt động chính trị - xã hội tiêu biểu của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng như: hình ảnh các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước về thăm tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, hình ảnh các kỳ đại hội Đảng bộ tỉnh. Những bức ảnh cho thấy sự hồ hởi, phấn khởi của những người đi xây dựng công trình thủy lợi Phú Ninh; quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân Quảng Nam - Đà Nẵng trong phong trào xây dựng HTX; những điển hình tiên tiến về xây dựng đất nước như: Anh hùng lao động Lưu Ban (Chủ nhiệm HTX Duy Sơn 2), Anh hùng Lao động Phan Trung Thu (Giám đốc Nhà máy Cao su Đà Nẵng - nay là Công ty CP Cao su Đà Nẵng), Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ…

Hơn 10 năm công tác với ông ở Báo Quảng Nam - Đà Nẵng đã để lại trong tôi những kỷ niệm đẹp và học ở ông kinh nghiệm quý trong nghề, đặc biệt là việc chụp ảnh. Thời ấy, đất nước còn khó khăn, có được chiếc máy ảnh là cả một gia tài. Nhưng cái khó hơn là làm chủ được kỹ thuật, kinh nghiệm chụp, nhất là chụp những bức ảnh thời sự, chụp ảnh các lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước. Ngày đó chưa có máy ảnh kỹ thuật số như bây giờ, mà là máy phim. Nếu không làm chủ được kỹ thuật, không có kinh nghiệm thì chụp ảnh vừa tốn tiền (mất phim), vừa không có ảnh đạt yêu cầu. Để có được những kinh nghiệm ấy, ông phải trả giá cho những năm tháng miệt mài với nghề. Đặc biệt, tôi học ở ông lòng yêu nghề, sự đam mê và tinh thần tận tụy với công việc. Cơ quan có phóng viên ảnh riêng, số còn lại hầu như không có máy ảnh, nên mỗi khi đi công tác chúng tôi thường đi cặp với nhau. Mặc dù tuổi cao, nhưng mỗi khi cơ quan yêu cầu hoặc đám phóng viên chúng tôi gọi đi, dù xa hay gần, bất kỳ lúc nào ông cũng đến đúng giờ.

Giờ đây, ở nhiều phòng truyền thống của các đơn vị, phòng khách của nhiều gia đình…, những bức ảnh của ông là những tư liệu, đánh dấu những mốc thời gian, ghi nhớ những sự kiện quan trọng của các địa phương, các tập thể trên con đường phát triển. Thậm chí, có bức ảnh được treo trang trọng trong phòng khách và trở thành báu vật của nhiều gia đình.

Nhưng mấy ai khi xem ảnh mà nhớ về người đã chụp những bức ảnh ấy. Nghề phóng viên ảnh là thế. Nhưng điều đáng nói là ông Cẩn không có cho riêng mình một bức ảnh để lại cho con cháu. Bức ảnh đặt trên linh cữu ông hôm nay được các kỹ thuật viên photoshop tách ra từ bức ảnh mà con cháu ông vô tình chụp ông với người vợ của ông vào một dịp Tết cách đây vài năm.

Vĩnh biệt ông! Tập thể cán bộ, phóng viên Báo Đà Nẵng và Báo Quảng Nam - Đà Nẵng cũ thành kính dâng hương tiễn đưa ông về cõi vĩnh hằng với niềm tiếc thương vô hạn. Xin gửi tới gia đình ông lời chia buồn sâu sắc. Vĩnh biệt Nhà báo Ngọc Cẩn - một con người trọn đời vì sự nghiệp báo chí Cách mạng.

ĐỨC THỊNH

;
.
.
.
.
.