Do địa hình cách trở và khá xa trung tâm xã nên nhiều năm qua, hơn 600 hộ dân ở thôn Khương Mỹ và Cẩm Toại Tây (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) rất khổ sở khi phải dùng nước giếng nhiễm bẩn. Người dân và cử tri đã kiến nghị nhiều lần nhưng nước sạch vẫn chưa về nơi đây.
Nhiều hộ dân sử dụng nguồn nước nhiễm bẩn từ các giếng đất. |
Thôn nhiều giếng đất nhiễm bẩn
Đến đầu thôn Khương Mỹ, chúng tôi ngỡ ngàng khi thấy nhiều giếng đào để lấy nước sử dụng sinh hoạt không hề được đặt các bi giếng đúc từ bê-tông xi-măng hoặc xếp bằng đá ong như thường thấy. Người dân nơi đây gọi những cái giếng này là giếng đất. Nhà có điều kiện kinh tế chỉ đặt một khúc bi giếng ở phần trên mặt đất, hoặc xây bằng gạch để người không bị ngã xuống giếng và đặt một máy bơm nước để đưa nước lên bồn chứa...
Vừa múc nước trong giếng đất sâu khoảng 2m và có nhiều cây cỏ mọc đầy mặt giếng, bà Nguyễn Thị Dọn (ở tổ 4) cho hay: “Do nhà nghèo nên chỉ đào xuống cho có nước rồi dùng chứ không có tiền đặt bi giếng. Nước giếng không trong và mỗi khi trời mưa thì nước mưa tràn xuống mang theo bùn đất, rác và xói lở, nhưng cũng phải sử dụng”.
Còn ông Trần Văn Dũng, Phó trưởng thôn Khương Mỹ cho biết: “Nhà tôi chỉ đặt một bi giếng trên mặt đất; hầu hết nhà dân ở khu vực tổ 1, 2, 3, 4 của thôn đều như vậy. Chỉ hộ khá giả mới đặt hoàn toàn bi giếng hoặc khoan để dùng máy bơm. Các hộ nghèo khó chỉ đào giếng đất sử dụng. Vừa rồi có cán bộ về thôn kiểm tra nhanh chất lượng nước, toàn bộ mẫu nước giếng đều ngả màu vàng cam hoặc màu đen nên kết luận là bị phèn nặng hoặc nhiễm quặng đen, người dân rất lo lắng. Bà con ở đây chủ yếu sinh sống bằng nghề nông, bình quân mỗi nhà 3 sào. Năm được mùa thì mỗi sào được hơn 1 tạ lúa, tương đương 500.000 đồng. Số tiền đóng góp để đưa nước sạch về quá lớn nên người dân mong được hỗ trợ đưa nước sạch về dùng, bảo đảm sức khỏe và vệ sinh”.
Ông Thi Lý Đức, Trưởng thôn Khương Mỹ cho hay: “Cả thôn có 320 hộ, hầu hết đều sử dụng nước giếng nhiễm bẩn, nặng nhất là ở tổ 6, 7 và 8 với hơn 70 hộ. Cử tri đã kiến nghị cấp trên hỗ trợ đưa nước sạch về cho người dân dùng nhưng đến nay vẫn chưa rõ khi nào mới triển khai”.
Đầu tư cấp nước trong năm 2014 và 2015
Người dân thôn Cẩm Toại Tây ở kế bên cũng đang lo lắng khi dùng nước giếng nhiễm bẩn và đã nhiều lần kiến nghị huyện, thành phố đưa nước sạch về cho dân sử dụng. Cuối tháng 5-2014, UBND thành phố chỉ đạo Sở NN&PTNT kiểm tra thực tế, khảo sát, chuẩn bị đầu tư công trình cấp nước sạch cho người dân thôn Khương Mỹ và Công ty TNHH MTV Cấp nước Đà Nẵng (DAWACO) chuẩn bị đầu tư công trình cấp nước sạch thôn Cẩm Toại Tây cùng các vùng lân cận của xã Hòa Phong.
Theo Sở NN&PTNT, trước đây, khi chưa có nguồn cấp nước của DAWACO tại khu vực xã Hòa Phú và Hòa Phong, dự kiến sử dụng nguồn nước từ công trình cấp nước xã Hòa Phú cấp cho thôn Khương Mỹ. Tuy nhiên, vào mùa khô, nguồn nước từ xã Hòa Phú gặp khó khăn, không bảo đảm cấp nước cho xã Hòa Phong và Hòa Phú. DAWACO đang thiết kế công trình cấp nước cho thôn Cẩm Toại Tây sử dụng nguồn nước thủy cục thành phố nên Sở đề nghị đơn vị này chia sẻ nguồn nước để cấp cho thôn Khương Mỹ. Theo đó, DAWACO thiết kế, lắp đặt đường ống chính ở thôn Cẩm Toại Tây với kích thước ống bảo đảm cấp cho thôn Khương Mỹ. Sở NN&PTNT thiết kế, lắp đặt đường ống chính tiếp theo cấp cho thôn Khương Mỹ.
Theo DAWACO, trên cơ sở đề nghị của Sở NN&PTNT, Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố, DAWACO đã điều chỉnh quy mô đầu tư công trình cấp nước thôn Cẩm Toại Tây và các vùng lân cận xã Hòa Phong với tổng mức đầu tư 2,737 tỷ đồng. Theo đó, trước mắt lắp đặt các tuyến ống HDPE cấp nước dài tổng cộng 3.896m, trong đó, tuyến ống chính có đường kính 16cm, dài 2.000m. Sau đó, lắp đặt thêm 4.186m đường ống các loại với đường ống cấp nước chính có đường kính 9cm, dài 810m.
Đối với công trình cấp nước sạch cho thôn Khương Mỹ, mới đây, UBND thành phố đã thống nhất quy mô đầu tư với công suất cấp nước 232m3/ngày và tổng mức đầu tư 1,6 tỷ đồng, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia và vốn đối ứng ngân sách thành phố, trong đó người dân sẽ đóng góp khoảng 10% kinh phí để đấu nối nước vào nhà. Thời gian thực hiện trong 2 năm 2014 và 2015.
Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP