.
Qua đơn - thư bạn đọc

Khó khăn giải tỏa thi công đường Sư Vạn Hạnh

.

Triển khai thi công trong tháng 6-2014, công trình nâng cấp, mở rộng đường Sư Vạn Hạnh (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) gặp nhiều khó khăn về giải phóng mặt bằng, nhất là việc giải tỏa các hộ dân sản xuất và kinh doanh sản phẩm đá mỹ nghệ.

Người dân bàn giao mặt bằng đến đâu, nhà thầu thi công đến đó.
Người dân bàn giao mặt bằng đến đâu, nhà thầu thi công đến đó.

Cùng với các tuyến đường như: Lê Văn Hiến, Huyền Trân Công Chúa…, đường Sư Vạn Hạnh là một trong những tuyến đường dẫn đến các điểm tham quan, du lịch và có nhiều hộ sản xuất, kinh doanh sản phẩm đá mỹ nghệ. Tuy nhiên, lòng đường rộng 5m, không có vỉa hè, hệ thống thoát nước và mặt đường bị xuống cấp nhiều năm, gây không ít khó khăn cho người đến tham quan cũng như công tác tổ chức lễ hội.

UBND thành phố có chủ trương đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến đường này và đây là một hạng mục công trình của Dự án Công viên văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn. Tuy nhiên, do chưa có nguồn kinh phí để triển khai giải tỏa, đầu tư xây dựng dự án nên UBND thành phố đã tách hạng mục công trình này ra đầu tư xây dựng trước.

Công trình nâng cấp, mở rộng đường Sư Vạn Hạnh có chiều dài 489m, bề rộng mặt đường 15m, vỉa hè có bề rộng từ 3-15m. UBND thành phố quyết định bố trí gần 20 tỷ đồng để giải tỏa, thi công hoàn chỉnh hệ thống giao thông, thoát nước, cấp nước, cây xanh, điện chiếu sáng. Công trình được khởi công vào ngày 24-4-2014 với tiến độ thi công theo hợp đồng là 245 ngày, nhưng do nhiều điều kiện khách quan lẫn chủ quan, đến cuối tháng 6-2014 mới triển khai thi công.

Song, công trình đang ngổn ngang bởi những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, nhất là việc giải tỏa các hộ kinh doanh giải khát, đá mỹ nghệ. Bà Nguyễn Thị Liên (số hồ sơ giải tỏa 610) cho hay: “Đây là tuyến đường du lịch và kinh doanh, Nhà nước thu hồi của nhà tôi 300m2 đất, nhưng chỉ đền bù 200m2 đất ở, hỗ trợ đền bù 100m2 đất và bố trí một lô đất tái định cư (TĐC) diện hộ chính đường 7,5m ở Khu đô thị Hòa Hải H1.3, hỗ trợ kinh doanh 15 triệu đồng. Chúng tôi đã kiến nghị bố trí 1 lô đất đường 10,5m và 2 lô đất đường 7,5m diện hộ chính, hỗ trợ thêm kinh doanh nhưng UBND quận Ngũ Hành Sơn không đồng ý. Chúng tôi kiến nghị giải quyết bố trí 3 lô đất đường 7,5m ở Khu đô thị Hòa Hải H1.3 mới bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công”.

Ông Đoàn Công Quang (số hồ sơ 612) cũng kiến nghị: “Nhà nước thu hồi 530m2 đất mà chỉ đền bù, hỗ trợ 200m2 đất (hỗ trợ kinh doanh 120 triệu đồng) và bố trí một lô đất diện hộ chính đường 42m, bố trí cho hộ con gái Đoàn Thị Thu Thi một lô chính đường 5,5m. Chúng tôi đề nghị bố trí 2 lô đất đường 33m (phố chuyên doanh sản phẩm đá mỹ nghệ đường Trường Sa) mới tương xứng, đồng thời cho phép chúng tôi được mua 1 lô đất nữa ở trên tuyến đường này để có mặt bằng và kinh doanh tượng đá mỹ nghệ. Còn đối với hộ con gái Đoàn Thị Thu Thi, đề nghị bố trí một đô đất đường 15m ở Khu Đô thị Hòa Hải H1.3 hoặc 2 lô đất đường Non Nước”.

Theo Ban quản lý dự án (QLDA) Giao thông nông thôn (thuộc Sở Giao thông vận tải thành phố), đơn vị được UBND thành phố giao điều hành dự án, hiện còn khoảng 19/60 hồ sơ giải tỏa chưa bàn giao mặt bằng. Hội đồng giải phóng mặt bằng đang tích cực tiếp dân và kiến nghị thành phố giải quyết các vướng mắc, nhất là việc bố trí tái định cư.

“Nhà thầu đang tập trung thi công cống vòm, móng cấp phối đá dăm, cống thoát nước dọc khi người dân bàn giao mặt bằng đến đâu thi công đến đó. Hội đồng giải phóng mặt bằng luôn lắng nghe, giải thích, kiến nghị UBND thành phố giải quyết hợp tình, hợp lý và có lợi cho người dân về đền bù giải tỏa, bố trí tái định cư. Mong người dân đồng thuận, sớm bàn giao mặt bằng để thi công công trình kịp hoàn thành, đưa vào sử dụng trước Tết Nguyên đán và lễ hội Quán Thế Âm”, ông Phan Trọng Tài, Phó Trưởng ban QLDA Giao thông nông thôn nói.

Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP

;
.
.
.
.
.
.