.
Qua đơn – thư bạn đọc

Lắp máy bơm trong nhà để tiêu nước ngập

.

Gần chục hộ dân sống cuối kiệt số 2 đường Nguyễn Như Hạnh, tổ 26 phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu ngày đêm lo lắng nguy cơ ngập cục bộ và sụp đổ tường nhà khi mùa mưa đến. Điều đáng nói là tình trạng ngập ở đây do con người gây ra.

Nhà ông Đặng Quang Trung phải đặt máy bơm để tiêu nước.
Nhà ông Đặng Quang Trung phải đặt máy bơm để tiêu nước.

Những ngày gần đây, bà Vũ Thị Lệ (83 tuổi) và người con trai tật nguyền Nguyễn Hữu Thôi ăn không ngon, ngủ không yên. Tối 25-10, mưa lớn, nước đọng, dâng cao và ngập đến đầu gối trong nhà bà Lệ. Anh Thôi suốt ngày chỉ nằm giữa nền nhà, nước vào cũng không biết, phải chờ hàng xóm đến đánh thức, bế lên giường. Bà Lệ cho biết, bà sống ở đây suốt mấy chục năm, mùa mưa này qua, mùa mưa khác đến nhưng chưa bao giờ bị ngập như thế. Mẹ già, con bệnh, nếu không có láng giềng giúp đỡ thì không biết ra sao.

Tại nhà ông Đặng Quang Trung, một ống nhựa có phi lớn bằng bắp chân vừa được lắp đặt trong nhà. Khi ông chỉ vào chiếc máy bơm đặt cao hơn mặt đất 1m trong gian bếp, tôi mới hiểu rõ sự tình. “Phải lắp máy bơm, khi có mưa, nước tràn vào không có lối thoát thì có máy bơm “xả lũ”. Ở cuối hẻm, có 2 hộ phải dùng biện pháp bất đắc dĩ này”, ông Trung nói. Chỉ vào dấu vết còn hằn trên tường do nước lên từ mấy hôm trước, ông bảo rằng, ông chưa bao giờ nghĩ phải đối diện với cảnh tượng này.

Trong khi đó, tình trạng tại nhà ông Trần Ngọc Dương - láng giềng của ông Trung - còn tệ hơn, tất cả phòng tầng trệt đều bì bõm nước dù mưa đã ngớt hơn 48 giờ. Trong bếp có 2 máy bơm nước đặt cao so với mặt đất hơn 1m. Trong phòng ngủ cũng đặt thêm một máy bơm (hồ cá) để rút nước rỉ ra từ tường nhà và vườn đất cao ngấm nước của nhà bên cạnh. Các đồ dùng bằng điện như tủ lạnh, máy giặt đều được khẩn trương di chuyển lên tầng trên.

“Cũng may còn có tầng trên, nếu không chẳng biết xoay xở thế nào. Nếu do thiên tai thì còn chấp nhận được, đằng này người ta xây tường rào cao hơn tường nhà, đổ đất nền vườn cao hơn nền nhà người khác, bít cả lối thoát nước tồn tại suốt mấy chục năm nay - nơi thoát nước duy nhất tại đường kiệt. Đường kiệt này như cái rốn nước, dồn các nhà từ đầu kiệt, từ ngoài đường Nguyễn Như Hạnh tràn vào và chảy xuôi về phía phường Thanh Khê Tây, qua vườn nhà bà Xân, qua vườn một người ở phường Thanh Khê Tây, đổ ra lối thoát nước khu vực đường sắt ngã ba Huế. Nhưng nay lối thoát nước bị bít hết, nước vào thì đọng lại và dâng lên, gây ngập cục bộ gần chục hộ dân”, ông Dương cho biết.

Nguyên nhân gây ngập đã rõ. Nhà bà Xân bên cạnh các hộ cuối kiệt mới xây lại tường vườn cao, đổ đất vườn lút qua nền nhà các hộ khác, lấp luôn lối thoát nước tự nhiên trước đây. Lời qua tiếng lại, bà bảo rằng, giờ có điều kiện nâng vườn nhà lên, thông báo cho các hộ mua ống thoát nước để thay mương cũ mà không chịu, nên bà lấp. Còn các hộ nói rằng, tiền ăn chẳng đủ lấy đâu góp vào mua. Cái mương nhỏ nguyên thủy đâu có chiếm diện tích và gây ảnh hưởng lớn gì đến vườn nhà bà Xân!

Chuyện láng giềng xem ra chẳng ai nhường ai, đành nhờ chính quyền can thiệp. Các hộ dân đã nhiều lần gửi đơn lên phường nhưng tình trạng ngập vẫn chưa được giải quyết.

Không chỉ lo ngập úng, nhà bà Nguyễn Thị Thiệt còn nỗi lo lớn hơn, đó là sụp nhà. Thời gian thi công nút giao thông ngã ba Huế làm tường nhà bà bị nứt. Bà đã kiến nghị và đơn vị thi công hứa khắc phục, nhưng qua 2 tháng vẫn bặt vô âm tín. “Nước vào, tường rợt, vết nứt sẵn, không đổ xuống mới là lạ”, bà Thiệt lo lắng.

Bài và ảnh: TRỌNG HUY

;
.
.
.
.
.
.