.
Vấn đề bạn đọc quan tâm

Biển đe dọa xâm thực sâu vào bờ

.

Từ đầu tháng 10 đến nay, mặc dù chưa xuất hiện bão và lũ nhưng dọc bờ biển Đà Nẵng, mực nước biển dâng với mức cao nhất 1,3m và độ cao sóng từ 0,75-1,75m, đưa sóng biển tiến sâu vào bờ. Tại dự án khu nghỉ dưỡng của Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai, sóng biển đã tiến vào chân bờ kè bị sóng đánh tơi tả trong những trận bão lớn vào cuối năm 2013.

Sóng biển đánh hư kè và làm xói lở một số căn hộ, nhà hàng sát biển đang xây dựng ở khu nghỉ dưỡng của Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai.
Sóng biển đánh hư kè và làm xói lở một số căn hộ, nhà hàng sát biển đang xây dựng ở khu nghỉ dưỡng của Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai.

Một số công trình căn hộ biệt thự, nhà hàng ở sát bờ kè đang xây dựng dang dở tiếp tục bị sụt lún. Ở kế bên, các nhân viên của khu nghỉ dưỡng Vinpearl Luxury đang gia cố thêm bờ kè đắp bằng bao cát khá cao với mỗi bao nặng gần 100kg. Một số nhân viên cho rằng, đắp bao cát là giải pháp chỉ để trấn an tinh thần, bởi khi có bão thì sóng biển rất mạnh. Trên bãi biển dọc đường Hoàng Sa, sóng biển đã tiến đến chân bờ kè hiện trạng, đe dọa sạt lở bờ đất các đoạn chưa được xây dựng kè.

Cuối năm ngoái, trước tình trạng sóng biển xâm thực sâu vào bờ, nhất là sau bão số 11, một số đoạn bờ kè chắn sóng trên tuyến đường Hoàng Sa, Võ Nguyễn Giáp, Trường Sa đã bị sạt lở, hư hại nhiều. Cử tri các phường Mân Thái, Thọ Quang, Phước Mỹ (quận Sơn Trà) và Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn) đã kiến nghị thành phố quan tâm khắc phục và làm kè chắn sóng toàn tuyến. UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Giao thông vận tải tổ chức khắc phục những đoạn kè bị hư hỏng và gia cố những vị trí bị sạt lở nghiêm trọng ảnh hưởng đến nền đường Hoàng Sa.

Ngày 26-5 vừa qua, UBND thành phố ban hành Công văn số 4417 cho phép đầu tư đoạn từ Km8+198,67 đến Km8+298,67 và đoạn từ Km8+816,88 đến Km9+200,59 (tổng chiều dài hai đoạn 483,7m) trong năm 2014 và 2015 từ nguồn ngân sách thành phố vì hai đoạn này có khả năng bị sạt lở tiếp trong mùa mưa bão. UBND thành phố cũng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư cân đối, bổ sung kế hoạch vốn để triển khai thực hiện công trình. Tuy nhiên, đến nay, hai đoạn kè nói trên vẫn chưa được xây dựng, khiến người dân phường Mân Thái rất bức xúc và lo lắng.

Theo Ban quản lý dự án (QLDA) Xây dựng số 2 (đơn vị được giao điều hành dự án), đến ngày 11-9-2014, UBND thành phố mới phê duyệt quy mô đầu tư xây dựng công trình đê, kè và vỉa hè còn lại trên đường Hoàng Sa (hai đoạn có lý trình nói trên) với chiều dài tuyến kè bảo vệ 483,7m, kết cấu tường chắn cao trung bình 2,5m, móng tường, bố trí rọ đá bọc nhựa trước chân kè để chống xói và bố trí lối lên xuống rộng 7,5m để kéo tàu thuyền cho ngư dân.

Đầu tư hạng mục vỉa hè sau lưng kè để bảo đảm mỹ quan (lát gạch darozo, bố trí các hố trồng cây) và bảo đảm không bị xói lở sau lưng kè. Ngoài ra, trồng cây dương liễu cao từ 1-1,5m, đường kính gốc 2cm ở phía ngoài bờ kè để chống xói mòn cát, che chắn bờ kè và tạo cảnh quan với bề rộng 3m dọc kè. Tổng kinh phí xây dựng 13,6 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố, thực hiện trong năm 2014 và 2015, trong đó bố trí vốn cho công trình trong năm 2014 là 3 tỷ đồng.

Cũng theo Ban QLDA Xây dựng số 2, đối với các đoạn còn lại (dài 1.156m), sẽ đầu tư xây dựng năm 2015 và trong những năm tiếp theo. UBND thành phố đã giao Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư lập thủ tục và làm việc với các bộ ngành Trung ương để bố trí vốn đầu tư theo Chương trình đầu tư củng cố, bảo vệ và nâng cấp đê biển hiện có từ Quảng Ninh đến Quảng Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 58/2006/QĐ-TTg.

Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP

;
.
.
.
.
.
.