.
Qua đường dây nóng

Nhức nhối nạn sa tặc

.

Tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra nhiều năm nay trên khu vực sông Vĩnh Điện (thuộc phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn), đe dọa đời sống của người dân ven sông và gây sạt lở đất màu nghiêm trọng tại cánh đồng Thị An. Cơ quan chức năng đã tăng cường kiểm soát, truy quét nhưng vẫn chưa mang lại hiệu quả cao.

Ghe hút cát hàng chục khối vẫn hiển hiện trên sông Vĩnh Điện (ảnh chụp sáng 5-2-2015).
Ghe hút cát hàng chục khối vẫn hiển hiện trên sông Vĩnh Điện (ảnh chụp sáng 5-2-2015).

Đi dọc bờ sông Vĩnh Điện khu vực cánh đồng Thị An, phường Hòa Quý (giáp Quảng Nam), không có một đoạn bờ sông nào không bị lở, sụt. Nhiều đoạn đất lở ăn sâu vào ruộng tạo thành một vùng lõm lòng chảo theo dọc bờ sông; có đoạn sụt lở hàm ếch phía mép nước sông, đào sâu vào lòng ruộng với nhiều hố sâu trụt xuống nhìn thấy nước sông. Phía dưới mép sông, nhiều nơi còn sủi bọt trắng vì vừa có đám đất bị dòng nước nuốt trôi.

Ông Nguyễn Văn Khánh (tổ 72 phường Hòa Quý) cho biết, ngày trước ông có đám ruộng hơn hai sào sát mép sông. Sau hơn chục năm thì nước sông cuốn trôi hết, chỉ còn bờ ruộng phía giáp các đám ruộng kế tiếp.

“Tình trạng khai thác cát diễn ra hơn chục năm nay, nhưng khoảng 4-5 năm trở lại đây rầm rộ và trắng trợn hơn. Lòng sông rỗng ruột, nước cuộn xoáy, đổi dòng, bờ sạt lở nhanh hơn. Mới mấy ngày trước, khi tôi vừa ra đồng thì ghe hút cát mấy chục khối vừa hút đầy ở khu vực bụi tre sát mép sông gần ruộng nhà tôi cũng rút rồng bỏ đi”, ông Khánh nói.

Ông Nguyễn Văn Cường, tổ trưởng tổ 62 phường Hòa Quý cho biết nhà ông có đám ruộng gần hai sào ở cánh đồng A Lưu, cứ mỗi năm bị lở đi 3-5 thước. Cũng bởi nạn sa tặc lộng hành mà chưa có biện pháp ngăn chặn triệt để.

“Trước đây, nhiều đối tượng liều mạng khai thác sát ngay khu dân cư An Lưu, đe dọa sập nhà dân và trạm bơm An Lưu vì đất lở. Rồi người dân tổ chức vây bắt, đẩy đuổi, các đối tượng sợ, chuyển dần lên khu vực Thị An (không có dân cư) hoạt động.

Hiện nay, sa tặc hung hãn lắm, lực lượng dân quân, dân phòng cùng tổ trưởng ra vây bắt khi phát hiện có hút cát trên sông, có khi chúng bỏ chạy, có khi chúng chống đối quyết liệt, anh em cũng chùn bước, bởi chức năng, nhiệm vụ mình chỉ là phối hợp với công an và lực lượng chức năng liên ngành, làm căng với chúng thì thiệt thân mình rồi ai chịu.

Khi lực lượng liên ngành đến thì chúng chạy mất. Có khi bắt được thì mức phạt chưa đủ sức răn đe. Nguy cơ sông nuốt trôi ruộng đồng diễn ra ngày một ngày hai. Lực lượng chức năng cũng thừa biết tồn tại thực trạng trên nhưng không có giải pháp ngăn cấm triệt để, làm dân lo lắng, hoang mang”, ông Cường cho biết.

Tuy nhiên, khi chúng tôi tìm đến Phòng Tài nguyên - Môi trường quận Ngũ Hành Sơn, ông Nguyễn Đình Năng, Phó Trưởng phòng cho biết cơ quan này không hề nhận được phản ánh từ người dân về vụ việc khai thác cát trái phép trên sông Vĩnh Điện. Phòng Tài nguyên - Môi trường quận Ngũ Hành Sơn cũng chỉ triển khai giải pháp khi có thông tin qua đường dây nóng hay nguồn báo từ người dân.

Trước đây, sau thời gian nạn sa tặc lộng hành, UBND quận Ngũ Hành Sơn đã thành lập một tổ liên ngành bao gồm cả Phòng Tài nguyên - Môi trường cùng tham gia để ngăn chặn, bắt và xử lý các đối tượng khai thác cát trái phép. Tuy nhiên, tổ liên ngành này hoạt động không hiệu quả. Hầu hết những lần đi mật phục… đều bị phát hiện từ lúc tiến hành. Hoặc khi nhận tin báo từ người dân, lực lượng chức năng đến nơi thì các đối tượng và ghe hút cát cũng đã cao chạy xa bay.

Theo quy định mới trong Nghị định 142/2013/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ, đối với hành vi khai thác cát trái phép gây sạt lở bờ sông, làm ảnh hưởng đến sự ổn định lòng, bờ, bãi sông, hồ thì sẽ bị phạt tiền từ 30-40 triệu đồng. Đây là mức phạt không nhẹ so với quy định trước đây.

Ông Nguyễn Đức, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Quý, thừa nhận tình trạng khai thác cát trái phép vẫn còn nhưng công tác phòng, chống chưa cao, lực lượng chức năng của phường chỉ dừng lại ở mức đẩy đuổi và cũng không bảo đảm quân số trực 24/24 giờ. 6 tháng cuối năm 2014 không có một vụ khai thác cát nào bị xử lý…

Bài và ảnh: TRỌNG HUY

;
.
.
.
.
.