Ý tưởng quy hoạch Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước có từ đầu những năm 2000, phải đến năm 2008 mới cụ thể hóa và triển khai thực hiện.
Còn rất nhiều hộ đang sản xuất trong khu danh thắng Ngũ Hành Sơn gây ô nhiễm môi trường. |
Theo dự kiến ban đầu, quý 1-2014 hoàn chỉnh việc di dời gần 500 hộ sản xuất đá ở phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn) về địa điểm mới. Dẫu vậy, quý 1-2015 sắp qua, nhưng công tác di dời vẫn còn cả một chặng đường nan giải.
Người dân kêu khó
Ông Mai Xuân Đương (tổ 93, phường Hòa Hải) có thâm niên hơn 30 năm làm nghề đá. Hiện ông là chủ một cơ sở đá với gần chục lao động có tay nghề, thu nhập bình quân từ 6-8 triệu đồng/người/tháng. Trước đây, ông có một cơ sở đúc tượng tại khu vực dự án H1.3 Hòa Hải mở rộng, sau khi dự án triển khai, đã phải bàn giao mặt bằng, chỉ còn cơ sở tại tổ 93 trong khu dân cư.
“Khi có thông tin quy hoạch làng nghề về cơ sở mới, hầu hết anh em làm đá đều vui mừng và chờ đợi. Thực tế làm đá gây ô nhiễm môi trường từ bụi đá, nước thải, tiếng ồn…, nhưng vì mưu sinh nên chấp nhận và “chịu trận” mỗi khi láng giềng “nói khó” mấy câu. Tuy vậy, khi trực tiếp nhận hợp đồng thuê đất, thấy bất cập nên chúng tôi còn chần chừ và chờ đợi phản hồi sau khi đã kiến nghị lên cơ quan chức năng. Chúng tôi không đòi hỏi gì, chỉ làm sao bảo đảm để cơ sở mới hoạt động sản xuất hiệu quả, chí ít cũng bằng cơ sở cũ. Không lẽ quy hoạch vào làng nghề mới lại không bằng nơi cũ thì buồn quá!”, ông Đương nói.
Theo ông Đương, với cơ sở của ông có 8 lao động thường xuyên làm việc, hệ thống máy móc lớn liên tục hoạt động, sẽ cần một không gian nhà xưởng hợp lý để sản xuất không bị ảnh hưởng. Thế nhưng, theo hợp đồng thuê đất, ông được cấp 5m ngang và 22m dọc tại cơ sở mới (giống như cấp một lô đất ở). Về tổng diện tích thì có thể bảo đảm, nhưng cách bố trí không gian nhà xưởng sẽ nảy sinh bất cập tức thì. “Riêng máy móc đã chiếm hết phần diện tích chiều ngang.
Nếu lúc tời đá vào để xẻ, buộc các công nhân sẽ phải dừng làm việc để tránh trường hợp rủi ro xảy ra. Quá trình tời đá ít nhất là 1 giờ đồng hồ, 8 người cùng nghỉ, sẽ mất nguyên một ngày công. Chưa kể, không thể cứ làm xong một sản phẩm (hay một phần) tại xưởng là phải tời ra liên tục để bảo đảm không gian làm việc cho công nhân. Không chỉ tốn thời gian, tiền bạc mà còn nảy sinh nhiều bất cập khác”, ông Đương lý giải.
Trên đây cũng là băn khoăn của hầu hết các hộ sản xuất có cùng cảnh ngộ như ông Đương. Điều này được chính cán bộ Ban quản lý làng nghề đá mỹ nghệ thừa nhận: “Gần như 100% hộ sản xuất làng nghề đều kêu ca không bảo đảm không gian khi vào cơ sở mới để sản xuất”.
Quy hoạch... hụt
Theo quy hoạch làng nghề mới có tổng diện tích dự án (giai đoạn 1) 35ha, cách khu sản xuất cũ khoảng 2km về phía Tây Nam. Sẽ bố trí cho gần 500 cơ sở với khoảng 2.500 lao động sản xuất. Mức bố trí diện tích cho mỗi cơ sở tùy theo quy mô sản xuất của các hộ, theo đó lớn nhất từ 600-800m2, nhỏ nhất 100m2. Trường hợp hộ có nhu cầu trên 800m2 sẽ do UBND thành phố quyết định cấp, bố trí. Giá thuê mặt bằng 8.500 đồng/m2/năm, thời hạn hợp đồng 5 năm.
Các tiêu chí, điều kiện để được bố trí mặt bằng quy định cụ thể trong phương án bố trí các hộ sản xuất đều do thành phố phê duyệt theo quy hoạch ban đầu. UBND quận lập ra một hội đồng liên ngành để thực hiện việc xét duyệt, kiểm tra năng lực sản xuất; kích cỡ, loại hình sản phẩm để có cơ sở bố trí. Theo quy hoạch ban đầu, còn có giai đoạn 2 mở rộng thêm 12ha và thêm 20% quỹ đất dự phòng để mở rộng làng nghề mới.
Về mặt văn bản, dự án quy hoạch làng nghề mới bảo đảm tính hoàn thiện về bố trí cho khoảng 500 hộ và nhu cầu mở rộng làng nghề về tương lai. Tuy nhiên, qua những gì đã diễn ra trong quá trình triển khai thực hiện dự án di dời đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế. Đại diện Ban quản lý Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước cho biết, hiện tại địa điểm quy hoạch làng nghề mới chỉ đáp ứng diện tích bố trí cho 309 hộ (cơ sở) đi vào hoạt động. Nghĩa là, theo quy hoạch ban đầu, còn hụt mất khoảng 200 hộ có nhu cầu.
“Theo quy hoạch ban đầu, không có quỹ đất bố trí khu điêu khắc đá mỹ nghệ của thành phố và 2 hộ có nhu cầu diện tích đất sản xuất trên 1.000m2 là ông Nguyễn Hùng và Nguyễn Long Bửu (thành phố phê duyệt cấp đất bố trí cho riêng 2 hộ này). Tổng diện tích phải bố trí lên tới 6.600m2, đồng nghĩa với việc có khoảng 30 hộ bị hụt đất được bố trí.
Theo Ban quản lý Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước, hiện có 195 hộ làm hợp đồng thuê đất, 141 hộ nhận đất thực tế, nhưng mới có 14 hộ xây dựng cơ sở và đi vào hoạt động tại làng đá mới. Dự kiến trước ngày 30-4 sẽ di dời tất cả các hộ đã được bố trí đất.
Ngày 3-3 vừa qua, UBND quận Ngũ Hành Sơn đã tổ chức cuộc họp về việc đẩy nhanh tiến độ di dời các hộ sản xuất đá về cơ sở mới do Chủ tịch UBND quận chủ trì; thành lập 2 tổ vận động do 2 Phó Chủ tịch quận làm tổ trưởng để thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND quận, triển khai từ ngày 7-3. Tuy vậy, để vận động các hộ yên tâm vào khu quy hoạch mới, nhất thiết phải giải quyết bài toán không gian sản xuất mới cho các hộ.
Bộ mặt khu Danh thắng Ngũ Hành Sơn đã có nhiều thay đổi tích cực từ việc di dời các hộ sản xuất đá về cơ sở mới, cùng với các con đường được nâng cấp, cải tạo. Tuy nhiên, quá trình thực hiện dự án quy hoạch làng nghề trải qua thời gian nảy sinh quá nhiều bất cập. Làng nghề đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, và đang hướng tới tầm thế giới. Song, công tác quy hoạch, bố trí bao giờ mới bảo đảm “có văn hóa” đang là nghi vấn nhiều người đặt ra cho cơ quan chức năng.
Bài và ảnh: TRỌNG HUY