Bạn đọc
Tìm chỗ đổ giá hạ
Toàn thành phố hiện không có khu vực đổ giá hạ, xà bần, dẫn đến nhiều hệ lụy, gây ô nhiễm môi trường, nhất là các khu đất trống trở thành bãi tập kết giá hạ trái phép.
Giá hạ đổ trộm trên đường Yên Khê 2 từng gây nhức nhối cho cơ quan chức năng quận Thanh Khê và phường Thanh Khê Tây. |
Tại một cuộc họp liên ngành do UBND quận Hải Châu chủ trì cho thấy, hằng tháng có hàng trăm lượt người đến Phòng Quản lý đô thị xin giấy phép xây dựng, trong đó có xây mới và sửa chữa, nâng cấp nhà, nghĩa là rác thải xây dựng (giá hạ, xà bần) xuất hiện nhiều. Điều bất cập là trong lúc chưa có một điểm tập kết xà bần, giá hạ nào được tổ chức bài bản, hợp lý để người dân có thể đổ đúng chỗ thì việc đổ trộm giá hạ, xà bần diễn ra thường xuyên.
Giá hạ, xà bần được người dân đổ trộm tại các bãi đất trống, dọc các tuyến đường còn thưa người ở hầu khắp các quận Hải Châu, Thanh Khê, Liên Chiểu, Sơn Trà. Tuyến đường Yên Khê 2, đoạn đi qua địa bàn phường Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê) - khu vực dự án Bưu điện 3, là điển hình về tình trạng đổ trộm giá hạ diễn ra thường xuyên với quy mô lớn, hàng loạt xe tải nhỏ đổ cả ngày lẫn đêm. Còn việc người dân đổ giá hạ nhỏ lẻ (dạng bao bì) thì có thể bắt gặp bất kể giờ nào.
Cơ quan chức năng quận Thanh Khê và phường Thanh Khê Tây từng nhiều lần ra quân dọn dẹp, cắm bảng quy định mức phạt đối với hành vi đổ trộm giá hạ, xà bần. Thế nhưng, sau các đợt ra quân, tình trạng này tái diễn cho đến khi các dự án trong khu đất trống tái khởi động.
Quận Sơn Trà hiện tồn tại nhiều khu đất trống và các tuyến đường trong các dự án khu dân cư chưa có người ở trở thành điểm tập kết giá hạ lý tưởng. Dọc các tuyến đường Lê Văn Duyệt, Phạm Văn Xảo, xà bần không những ngập hết vỉa hè mà còn tràn xuống lòng đường.
Thành phố từng tổ chức nhiều chiến dịch ra quân dọn dẹp các lô đất trống để giải quyết nạn ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, đó chưa phải là giải pháp căn cơ khi cứ tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân về việc không đổ trộm giá hạ, nhưng vẫn chưa có điểm tập kết giá hạ, xà bần hợp lý.
Quận Hải Châu từng xây dựng điểm tập kết xà bần tại phường Hòa Cường Nam nhưng chỉ trong thời gian ngắn, điểm tập kết này ứ đầy và đóng cửa. Sau khi thành phố bàn giao cho Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Đà Nẵng quản lý, sử dụng rửa thùng đựng rác kết hợp đổ giá hạ, xà bần, công ty đã dọn sạch số giá hạ, xà bần tồn đọng (thành phố hỗ trợ 69.000 đồng/m3 để vận chuyển).
Song, khi trạm rửa thùng đựng rác phía sau điểm tập kết giá hạ này được xây dựng và đi vào hoạt động thì cũng đóng cửa luôn điểm tập kết giá hạ được cho là hợp lý nhất từ trước đến nay. Người dân nếu muốn đổ giá hạ thì phải hợp đồng với một đơn vị nào đó để thu dọn, vận chuyển. Đối với các sửa chữa nhỏ, lẻ thì người dân tự “xử lý”.
Hơn 10 năm trước, từng có đề án chống bụi, hạn chế chất thải xây dựng. Theo đó, hai điểm tập kết giá hạ, xà bần kết hợp rửa thùng đựng rác được xây dựng tại các phường Hòa Cường Nam và Thanh Lộc Đán (cũ). Tuy nhiên, đối với điểm tại phường Hòa Cường Nam, sau khi mở cửa cho người dân đổ giá hạ (10.000 đồng/m3, do UBND phường quản lý), chỉ trong thời gian ngắn đã đầy ứ và đóng cửa (như đã đề cập ở trên).
Đối với điểm tại phường Thanh Lộc Đán, do xa khu dân cư và trong khu vực còn nhiều bãi đất trống nên ít người đổ vào bãi tập kết. Nhưng rồi điểm này cũng đóng cửa và giao lại cho Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Đà Nẵng. Về quy mô, đề án giảm tải rác thải xây dựng từng quy hoạch khu đất khoảng 3 hecta tại xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang) để tập kết giá hạ, xà bần, nhưng khu quy hoạch này cũng đi vào quên lãng.
Ông Lê Thanh Bình, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Đà Nẵng, cho biết không khó để xây dựng điểm tập kết giá hạ, xà bần cũng như công tác vận chuyển từ bãi tập kết đi đến bãi rác lớn (hoặc một điểm dự án nào đó có nhu cầu đổ nền). Theo ông Bình, để bảo đảm vận chuyển từ bãi tập kết đi xử lý, ngoài tiền thu phí 10.000 đồng/m3 thì cần ít nhất khoảng 70.000 đồng/m3 tiền bốc và vận chuyển giá hạ đến điểm đổ hợp lý…
Việc có nơi tập kết giá hạ, xà bần theo quy hoạch cụ thể là mong muốn của nhiều người dân, không chỉ cho “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015” mà còn cho một thành phố sạch, đẹp hơn nữa trong tương lai.
Bài và ảnh: TRỌNG HUY