Khu nhà liền kề Tân Trà (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) tập trung cư dân thành phố trong diện giải tỏa về sinh sống. Gần 10 năm an cư nhưng chưa một ngày người dân khu này được sử dụng nước sạch.
Ống dẫn nước được lắp đặt về đến khu nhà liền kề Tân Trà. |
Sau khi báo chí lên tiếng, cư dân ở khu Tân Trà mới có cơ hội được hưởng thụ nguồn nước sạch. Các đơn vị liên quan nhanh chóng vào cuộc theo chỉ đạo của thành phố, đào rãnh, lắp ống nước từ đường Nguyễn Duy Trinh dẫn về khu nhà liền kề. Ông Huỳnh Quang Trung, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Hải, hứa với dân rằng đến ngày 30-6 tới sẽ có nước sạch cho dân sử dụng theo nhu cầu.
Khu nhà liền kề Tân Trà - Hòa Hải gần như là vùng sâu, vùng xa của thành phố, gần tiếp giáp với tỉnh Quảng Nam. Ông Huỳnh Kim Sáu, tổ trưởng tổ 127, cho biết bà con nơi đây về sinh sống từ năm 2007. Từ đó đến nay chưa hề được sử dụng nguồn nước sạch, chỉ dùng nước giếng bơm.
Nơi đây vốn là vùng đất ruộng, sâu trũng nên nước bị nhiễm phèn rất nặng, thời gian đầu còn dùng được, về sau thì chỉ tắm, giặt, sinh hoạt một cách khiên cưỡng; hằng ngày phải mua nước đóng bình về phục vụ việc ăn uống.
Ông Sáu ở phường Mỹ An, sau khi dự án đường Phan Tứ triển khai, ông được di dời về đây. Ông cho biết, khu nhà liền kề có 90 căn hộ, đến nay đã có hơn 80 hộ dân sinh sống. “Mùa này nắng nóng, về mùa mưa thì đỡ, nhưng nếu có bão thì chạy mút mùa không hết sợ.
Nhà nơi đây giáp biển, hằng năm nước mặn tạt vào, ăn mòn tôn nhà rất nhanh. Mới đây, sau nhiều lần kiến nghị, các hộ đã được Công ty Quản lý nhà chung cư thay lớp tôn mới. Bây giờ, sắp có nước sạch, bà con vui mừng nhưng nỗi lo khác là đường dây điện sinh hoạt chưa bảo đảm, còn đường dân sinh thì chẳng biết bao giờ mới được thảm nhựa”, ông Sáu nói.
Ông Huỳnh Quang Trung thừa nhận ý kiến của ông Sáu và cho biết thêm, ban đầu khu nhà liền kề được thiết kế không có hệ thống nước sạch. Thay vào đó, đơn vị dự án chỉ thi công 3 giếng bơm tay nhưng đến bây giờ đã bị chôn vùi dưới đất sâu.
Ông Huỳnh Kim Sáu kể, suốt 5 năm phải mua nước, dùng dè sẻn lắm mỗi ngày cũng hết một bình. Ước tính mỗi một bình 10.000 đồng, mỗi tháng 300.000 đồng, mỗi năm 3,6 triệu đồng, 5 năm mất gần 20 triệu đồng tiền nước dùng cho ăn, uống. Với 80 hộ dân sinh sống thì số tiền mua nước đóng bình phục vụ việc ăn uống trong 5 năm lên đến 160 triệu đồng.
Suốt nhiều năm người dân ở khu nhà liền kề Tân Trà phải mua nước đóng bình để sử dụng. |
Chiều 17-6, một số công nhân thuộc đơn vị chủ dự án - Ban 2 đang hì hục đào rãnh, lắp ống nước lớn nối từ đường Nguyễn Duy Trinh vào khu nhà liền kề. Từ đường Nguyễn Duy Trinh nhìn vào khu nhà liền kề chỉ cách một quãng đường ngắn. Nhiều tháng nay, con đường mới đã hoàn thành, hệ thống nước sạch đã được đấu nối, nhưng người dân khu vực quanh đây vẫn phải mua nước bình để dùng.
Dự kiến ngày 30-6 sẽ có nước sạch cho dân sử dụng, theo lời của các cơ quan chức năng, nhưng đó chỉ là hoàn thành khâu hạ tầng, tức lắp đặt hệ thống ống dẫn nước và súc đường ống, sau đó mới bàn giao cho đơn vị cấp nước hoàn thành các thủ tục để làm hợp đồng với dân, rồi mới chính thức có nước, nghĩa là vẫn phải chờ…
Ông Huỳnh Quang Trung cho biết, trước năm 2013, hai khu tái định cư Tân Trà (khu nhà liền kề Tân Trà nằm trong khu tái định cư Tân Trà) và Đông Hải hoàn toàn chưa có nước sạch. Trong đó, khu Tây Đông Hải (giai đoạn 1) vừa có nước, khu Đông Đông Hải (giai đoạn 2) còn vướng mắc giải phóng mặt bằng nên chưa thể đấu nối hệ thống nước sạch.
Đối với khu Tân Trà hiện đã hoàn thiện hệ thống nước sạch 40% (khoảng 120 hộ có nước sạch). Nguyên nhân chậm đấu nối hệ thống nước sạch, theo ông Trung là do phân kỳ dự án ra nhiều giai đoạn, một số vị trí đấu nối đường ống nước bị vướng mặt bằng (mới giải phóng xong năm 2014) và một số khu vực xây dựng ban đầu không thiết kế đường ống nước sạch đến tận người dân (khu nhà liền kề).
Chiều xuống, những con đường cấp phối suốt gần 10 năm nay vằn vện đá sỏi bắn lên hiên các căn hộ khu nhà liền kề mỗi khi có xe gắn máy chạy qua. Mấy đứa trẻ trong khu nhà chơi đùa bên cạnh ống nước sạch mới được lắp đặt. Niềm vui có nước sạch của người dân nơi đây hằn rõ trên nét mặt của đám trẻ đang tò mò nhìn ngó, nghịch ngợm ống dẫn nước đi qua trước cửa nhà.
Dẫu vậy, các hộ còn mong đợi một ngày nào đó, khu nhà liền kề sẽ được kiên cố hóa, được thảm nhựa đường dân sinh, được đầu tư hệ thống đường điện an toàn hơn để mỗi mùa mưa bão về không thấp thỏm chạy bão.
Bài và ảnh: TRỌNG HUY